Les Mains Sales

(Bàn Tay Vấy Máu)

Jean-Paul Sartre

(21/06/1905 – 15/04/1980)

Lương Tấn Lực

 

“Toutes les actions humaines sont équivalentes et toutes sont en principe vouées à l'échec.”

 

Jean-Paul Sartre là một triết gia hiện sinh, một nhà viết kịch, viết tiểu thuyết, phim truyện, viết tiểu sử, nhà chính trị, và nhà bình luận văn học Pháp.  Ông là một trong những khuôn mặt hàng đầu trong triết học và chủ thuyết hiện sinh Pháp thế kỷ hai mươi.  Tác phẩm của ông còn tiếp tục ảnh hưởng những bộ môn khác như xã hội học và nghiên cứu văn học.  Sartre cũng được nổi tiếng vì trọn đời liên hệ với Simone de Beauvoir, một nhà văn và lý thuyết gia xã hội.

 

Kịch bản Les mains Sales lần đầu được trình diển vào ngày 2/4/1948 tại nhà hát Théâtre-Antoine, Paris, với thành phần diển viên gồm có François Périer, Marie Olivier, và André Laguet.  Đạo diển là Simone Berriau.

 

Bối cảnh của kịch bản chính trị nầy là một quốc gia giả tưởng mang tên Illyria ở Đông Âu và thời gian là giửa năm 1943 và 1945.  Nội dung kịch bản liên quan đến cuộc ám sát một thủ lảnh chính trị cộng sản.  Kịch bản xây dựng chủ yếu dựa trên tường thuật của tên ám sát liên quan đến phương thức mà y đã thi hành sứ mạng của mình.  Danh tánh kẻ giết người được nêu ra từ đầu, nhưng không ai rõ động cơ giết người của y là vì lý do chính trị hay cá nhân.  Do đó chủ đề chính của kịch bản không phải là ai làm việc đó nhưng tại sao lại làm thế.

 

Illyria, một quốc gia đồng minh của Đức Quốc Xã, bấy giờ sắp sửa bị sát nhập vào Khối Đông Âu.  Một đảng viên cộng sản trẻ, Hugo Barine, được cho biết là Hoederer, một lảnh tụ đảng, đã đề nghị thương thuyết với những nhóm chính trị không theo chủ nghĩa xã hội, gồm có chính phủ Fascist và phong trào kháng chiến theo khuynh hướng tự do và  quốc gia.  Mục đích cuộc thương thuyết nầy là  thành lập một liên minh kháng chiến nhằm chống lại Đức Quốc Xã và thành lập một chính phủ liên minh hậu chiến.  Hugo cảm thấy chủ trương của Hoederer có chiều hướng phản bội.  Louis, một lảnh tụ đảng khác, quyết định Hoederer phải chết.  Y miển cưởng đồng ý cho Hugo làm việc nầy; Hugo là một kẻ nhiệt thành nhưng ít kinh nghiệm. Mười ngày sau thì bắt đầu các cuộc thương thuyết với các nhóm khác. Khi Hoederer gần đạt được một thỏa thuận với các thành viên của giai cấp mà y rất ghét, Hugo định rút súng ra để hành động thì một quả bom phát nổ.

 

Không ai chết nhưng Hugo rất tức giận.  Cuộc tấn công bằng bom kia cho thấy những người ra lệnh cho y thi hành nhiệm vụ đã không tin tưởng y.  Olga Lorame, một trong những người gởi Hugo đi ám sát, bí mật đến thăm Hugo và vợ y là Jessica.  Chính Olga là người đã ném quả bom và bây giờ cảnh cáo Hugo phải giết cho được Hoederer vì những đảng viên khác không còn kiên nhẩn được nữa.

 

 

Hugo là con một gia đình tư sản nhưng trong một lúc nào đó đã gia nhập đảng cộng sản vì lý do trí thức.  Với kiến thức đại học, y phục vụ đảng với tư cách chủ bút một tờ báo bí mật, một nhiệm vụ đầy rũi ro, vì đảng nầy đang bị quân đội truy lùng vì những hành đông khủng bố.  Nhưng Hugo chưa hài lòng và muốn làm một cái gì mạo hiểm hơn là ngồi viết bài chính trị.  Y muốn phá sập một cây cầu, giết một người của cảnh sát hay của dân quân, hay làm một cái gì khác ngoạn mục đối với đảng.  Hoederer, một người có bản tính tự tin và hấp dẩn, là hiện thân của chủ nghĩa hiện thực và thực dụng.  Y tiếp xúc với nhiếp chính Illyria và đảng bảo thủ nhằm tránh những cuộc chiến gây tử vong cho nhiều người và giúp đảng cộng sản có đại diện trong nghị viện Illyria.  Trong thời gian đảng cộng sản chưa có đủ hậu thuẩn cần thiết để nắm chính quyền thì sự hiện diện của các lực lượng Sô Viết chĩ có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn.  Hoederer cho rằng dân chúng không thích những đội quân chiếm đóng ngoại quốc, dù là quân giải phóng, và dân chúng sẽ nghĩ ngay rằng nhà nước là do quân xâm lăng dựng lên.  Còn Hugo thì nhấn mạnh là đảng phải chính thống.  Quyền lực là mục tiêu nhưng những phương pháp vội vàng của Hoederer không thể chấp nhận được, nhất là phải hợp tác với những kẻ thù giai cấp, nói láo và lừa bịp với chính các lực lượng của mình.  Khi không có người ngoài, Jessica cố thuyết phục Hugo chấp nhận quan điểm của Hoederer, nhưng Hugo quay mặt đi và nói rằng đó càng là lý do phải giết Hoederer bỡi vì Hoederer có thể thuyết phục những người khác nữa.

 

Hugo thâm nhập vào nhà của Hoederer với tư cách là thư ký do đảng gởi đến để trợ gíup Hoederer.  Để tránh nghi ngờ, Hugo đem theo Jessica, người không thuộc đảng và tỏ ra khinh thường những quan điểm chính trị của chồng.  Mặc dù Hugo cố thuyết phục Jessica là anh ta quyết tâm mưu sát, Jessica xem toàn bộ sự việc như một trò chơi.  Hoederer ý thức được rằng người ta muốn giết y nên đã dùng cận vệ.  Hugo không ra tay sớm được vì không tìm được thời cơ thích hợp, theo như lời y giải thích với Jessica; người nầy chắc chắn không tin vào lời giải thích đó và mỉa mai y, cho rằng y không biết đối phó với những con người thực trên đời, và cho rằng y không đủ cam đảm v.v.  Hơn nữa, Hugo và Jessica bắt đầu nhận thấy Hoederer dễ mến nên Jessica yêu cầu Hugo đừng giết Hoederer.  Không những thế, vào một thời điểm nào đó cô ta sẽ nói cho Hoederer biết về kế hoạch ám sát y.  Có một lần, thừa lúc Hoederer quay lưng, Hugo chỉa súng định bắn Hoederer nhưng bị Hoederer tước súng.  Hoederer không trả thù Hugo vì ý định ám sát của y, vì nhận thấy nơi Hugo một trợ tá có tiềm năng.  Y buộc Hugo phải suy ngẩm lại những động cơ của mình, những động cơ mà Hoederer cho là phá hoại và vô tổ chức.  Vì tin vào khả năng chuyển hóa chính trị nơi Hugo nên Hoederer đối xử y như một ngưòi cha hay một người anh.  Hoederer là con nguời lạc quan, tin vào khả năng hướng thiện của con người, niềm tin mà y áp dụng cho cả cá nhân lẫn xã hội.

 

Tuy nhiên, khi Hoederer ôm hôn Jessica lúc cô ta rời văn phòng, Hugo bắt gặp và giết Hoederer bằng cây súng lục luôn để trong bàn làm việc của Hoederer không có khóa.  Khi chết, Hoederer ngăn cản không cho cận vệ Skick giết Hugo, nói rằng Hugo đã giết y vì ghen và nói rằng mình đã ngủ với Jessica - sự thực không phải như vậy. 

 

Olga tỏ vẻ hài lòng về việc Hugo thực sự giết Hoederer vì ghen; điều nầy có thể cho Hugo cơ may được phục hồi, vì lúc đó đảng đã chấp nhận đường lối của Hoederer.  Các đảng viên tin rằng Hugo đã sắp xếp cuộc ám sát theo một cung cách khiến các giới thẩm quyền tin rằng động cơ giết Hoederer là ghen tương chứ không phải chính trị.  Bấy giờ sự kiện Hugo phản đối đường lối của Hoederer đè nặng trong đầu của các đồng chí; những người nầy bấy giờ sợ rằng Hugo có thể sẽ phanh phui sự thật chính đảng đã giết chết Hoederer.  Giải thích lý tưởng nhất cho thế giới là Đức Quốc Xã hay một đảng không cộng sản nào đó đã giết Hoederer.  Sự thể chính đảng đã ra lệnh giết Hoederer sẽ có tác dụng tuyên truyền không tốt cho đảng.  Do đó người ta muốn thủ tiêu Hugo, vì người nầy “nói nhảm quá nhiều (bavarde trop)” .

 

Trong tù, Hugo nhận được quà từ bên ngoài gởi vào.  Hugo đoán những món quà nầy đến từ những người đã phái y đi giết Hoederer.  Những món quà đó giúp y sống qua ngày, nhưng một số quà hóa ra là những chocolat có tẩm thuốc độc.  Hơn nữa, khi được cho tại ngoại, Hugo thấy mình bị theo dõi bỡi những sát thủ của đảng và phải ẩn trốn tại nhà Olga; người nầy muốn rằng người ta cho Hugo một cơ hội tiếp tục phục vụ đảng dưới một tên khác.  Tuy nhiên, Hugo rất tức giận, nhất là đảng đã nói láo và lừa bịp chính các thành viên của mình.  Hugo nhận thức ra rằng, nếu còn sống và tiếp tục ở lại trong đảng thì việc ám sát Hoederer trước kia sẽ trở thành vô nghĩa và ô nhục.  Do đó, trong khi Olga cố tình cứu y một cách tuyệt vọng, Hugo tuyên bố mình là kẻ không thể hoán cải và chính y để cho những sát thủ vào thi hành nhiệm vụ của họ.

 

Les Mains Sales thực ra là một kịch bản tự truyện (drame autobiographique), trong đó Sartre diển tả những dằn vặt trí thức của mình liên quan đến việc ông gia nhập một đảng cách mạng năm 1948.  Trong kịch bản nầy, Sartre muốn làm nổi bật phóng tác của chính ông về chủ nghĩa Marxist theo đúng lý tưởng của ông, một chủ nghĩa theo ông không có tương lai nếu không lồng vào chủ nghĩa hiện sinh.  Không có chủ nghĩa hiện sinh thì chủ nghĩa Marxist không thể hoạt động được và Hugo là nhân vật đại biểu trong truyện.  Hoederer tượng trưng cho chủ nghĩa thực dụng Marxist, kẻ trước kia đã đi theo phiên bản chính thống và rồi bắt đầu làm biến trạng nó.  Tuy nhiên, Hoederer chủ trương một đường lối có thể áp dụng trong quần chúng, trong khi hiện tượng luận theo lối Hugo đưa đến một chủ nghĩa độc diển khiến cô lập cá nhân khỏi khả năng hành động trong tinh thần trách nhiệm đối với thế giới chung quanh.  Sartre bác bỏ cả hai nhân vật; điều mà ông muốn là một giải pháp trung dung; một triết lý chính trị hợp nhất được thuyết nhân bản và tinh thần trách nhiệm của một Hoederer với thái độ cố chấp không nhượng bộ của Hugo. 

 

Như một phần của thể loại “kịch bản tình trạng (théâtre de situations)”, Les Mains Sales là một torng những tác phẩm sáng tác bỡi một người trí thức có khuynh hướng Marxist và xã hội chủ nghĩa chĩ xuất hiện ít năm sau Đệ Nhị Thế Chiến và đã bị lạm dụng trong cuộc chiến tranh lạnh, được bắt đầu như một nguồn dữ liệu chống lại chủ nghĩa cộng sản, điều xảy ra ngoài ý hướng của tác giả.

 

Điểm nổi bật nhất trong Les Mains Sales là người ta không bao giờ chắc chắn ai đang làm gì, làm gì với ai, và tại sao làm vậy.  Trong trường hợp nào đi nữa, nhân vật chính trong kịch bản cuối cùng bàng hoàng nhận thức ra rằng hầu hết những người mệnh danh là làm cách mạng chẳng qua chĩ quan tâm đến quyền lực, chứ không phải ý thức hệ.

Những người theo cánh hữu đón nhận kịch bản như một tác phẩm chống cộng, và những người tả khuynh thì công kích nó vì cùng một lý do.  Khi bộ phim thực hiện dựa trên kịch bản nầy ra đời tại Pháp năm 1951, những người cộng sản Pháp đe dọa các rạp chiếu bóng không được chiếu cuốn phim.  Do đó, mãi đến 1976 kịch bản nầy mới được trình diển lại tại Pháp.  Les Mains Sales cũng không được trình diển tại các nước cộng sản cho đến tháng 11 năm 1968, lúc vở kịch được trình diển tại thủ đô Prague, Tiệp Khắc, sau khi các lực lượng của Hiệp Ước Varsovi xâm lăng Tiệp Khắc.

Lương Tấn Lực