Lời Tựa
- Minh Điền
Cách nay khoảng hai tuần, tác giả Đông Yên gởi đến tôi bản thảo
"Thi Ca Tuyển Tập Anh Mỹ" vừa để chia sẻ vừa để yêu cầu vài nhận định trước khi phát hành tác phẩm. Lý ra tôi không dám nhận lời nếu không có lời trấn an của tác giả:
"Với tư cách một độc giả bình thường như bao độc giả khác, xin anh cứ tự nhiên nghĩ sao viết vậy sau đi đọc hết bản thảo mà tôi gởi đến anh. Thế thôi, không cần phải đứng trên một cương vị hay 'thẩm quyền chuyên môn' nào cả. Sở dĩ tôi nhờ đến anh vì tôi biết anh đã từng dịch thuật thơ/văn ngoại ngữ trước 1975 và là một trong những người yêu thơ."
Vâng thì tôi cứ thế mà làm, trong tinh thần thân hữu, khiêm tốn, và cộng thông với nhau. Vả lại cũng khó từ chối vì tôi rất mến mộ tài nghệ thi ca và khả năng ngoại ngữ thượng thừa của Đông Yên, quen biết anh từ lâu qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống. Tuy nhiên, trong khi Đông Yên hiện là con người của ánh sáng, tôi, nhìn chung, vẫn là một "cư sỹ" trong bóng tối, hầu như vô danh. Cho nên, thật cũng khó không biết phải viết sao đây. Thú thực khi đọc bản thảo, tôi không bắt đầu với bản tiếng Anh, mà khởi đi từ phần bình và phân tích của Đông Yên dành cho mỗi bài thơ. Tác giả rất chu đáo ở phần này. Đôi khi tôi phải đọc lại nhiều lần trước khi đọc bài thơ gốc. Xin thưa là rất căng, vì thơ tiếng Anh không "dễ nuốt" tí nào, nhất là những bài thơ từ thế kỷ 19 trở về trước. Nhiều bài, nhất là những bài
Sonnets của William Shakespeare, chẳng hạn, tôi phải đọc rất nhiều lần, mặc dù đã đọc kỹ phần bình và phân tích của Đông Yên. Tôi không đủ khả năng lãnh hội cái hay "trực giác" của phần lớn những bài thơ tiếng Anh, mà chỉ cảm nhận giá trị nghệ thuật và triết học của chúng qua phần thơ dịch của Đông Yên. Phải lương thiện mà nói rằng, không có thơ dịch của Đông Yên, thì những kiệt tác tiếng Anh kia cũng chỉ là những món đồ cổ lạnh lùng xa lạ ít ai muốn nhìn vào cho dù có người ca tụng đi nữa. Sau khi đọc Đông Yên may ra người ta mới biết chân giá trị của những món đồ cổ vô giá đó là gì.
Nếu không có phần tiếng Anh và chỉ đọc phần tiếng Việt không thôi, quý vị có thể nghĩ đó là một bài thơ dịch hay không? Cá nhân tôi không tin như thế. Lời thơ Việt óng ả, lưu loát, tự tin, nhuần nhuyễn, và thanh thoát như tự chúng diễn ngâm vậy.
Đó là chưa nói phần ý thơ. Người Pháp thường nói
Traduire c'est trahir (dịch là phản bội) . Điều đó càng đúng với thơ dịch, nhất là phải giữ cho lời thơ lưu loát tự nhiên. Với Đông Yên thì không, dứt khoát không. Ông bám sát ý của bài thơ gốc nhưng không bị lệ thuộc vào nó. Đông Yên có đủ tài năng, bản lãnh, và kỹ thuật để hiện thực hóa câu nói bất hủ,
Dịch tức là sáng tác. Khả năng ngoại ngữ thượng thừa của Đông Yên giúp ông không "phản bội" thơ gốc; trong khi trong tư thế của một nhà thơ tầm vóc, ông thừa sức biến dịch bản của mình thành một sáng tác thi ca mượt mà và bóng bẩy, đồng thời diễn đạt trọn vẹn những hàm ngụ triết lý sâu thẳm trong từng tác phẩm – sở trường của một giáo sư triết như Đông Yên.
Xin cám ơn nhà thơ Đông Yên đã cống hiến cho văn học nói chung một viên ngọc quý, một cửa ngõ đi vào kho tàng thi ca Anh Mỹ bao la và vô giá.
- Minh Điền
(Texas tháng 11/2016)