UP-HILL - LÊN ĐỒI - CHRISTINA ROSSETTI
Chúng ta có hai nhân vật đối đáp trong bài thơ: một hỏi, một trả lời. Ngay từ đầu chúng ta có cảm tưởng những câu hỏi nầy có liên quan đến một cuộc hành trình nào đó.
- Đường nầy có phải là đường lên đồi hay không? Nếu thế, đường có đi đến đỉnh hay chỉ đi nửa chừng? Mặc dù câu trả lời rất xác định nhưng thực ra câu hỏi có được trả lời thảo đáng hay không? Ai hỏi và ai trả lời? Họ đang đi đâu? Họ khởi hành từ đâu?
- Phải mất hết cả ngày dài mới đến đỉnh? Đúng phải đi từ sáng đến chiều. Nhưng câu trả lời đó không cho biết con đường dài bao nhiêu và biết đâu một ngày đó có thể là một tuần, một tháng hay một năm?
- Trên đường đi có chỗ để nghỉ chân hay không? Bất luận câu trả lời là gì, câu hỏi hàm ngụ rằng chủ thể hoài nghi chuyện mình có thể đến đỉnh vào cuối ngày. Vả lại, câu trả lời tỏ ra quá đơn sơ, chỉ cho biết có một mái nhà, thế thôi.
- Nếu thế, ban đêm có nhìn thấy được mái nhà đó không? Câu hỏi cho thấy chủ thể e ngại sẽ không đến nơi trước khi trời tối; và câu trả lời có tính trấn an chiếu lệ thì đúng hơn.
- Có ai khác có mặt tại quán trọ hay không? Nếu có thì đó là những người đi trước. Nhưng làm sao biết đã có ai đi trước?
- Nếu thế, làm sao gặp được họ? Phải gõ cửa hay gọi? Người thứ nhì không trực tiếp trả lời câu hỏi mà chỉ bâng quơ nói rằng những người kia nếu có sẽ không từ chối tiếp họ. Đến đây, hoàn cảnh càng trở nên bất xác.
- Nơi nghỉ đêm có đủ phương tiện để làm giảm sự mệt mỏi của cuộc hành trình? Người thứ nhì không trả lời mà chỉ bảo với người thứ nhất đến đấy sẽ biết nhà trọ có thứ gì. Một bí mật.
- Họ có giường cho người thứ nhất và cho tất cả ai cần? Có, bất luận bao nhiêu người đến. Đó không còn là nơi tạm trú cho những kẻ qua đường mà là một thế giới của vô hạn vô biên – cõi bên kia sự sống hay kiếp sau. Theo nhãn quan của một tín đồ tôn giáo, đó là nơi cứu rỗi và ai cần sự cứu rỗi đều được đón nhận vô điều kiện. Kết thúc của bài thơ mang lại một cảm thức an bình và xoa dịu. Ngược lại, nếu đọc theo một quan điểm thế tục, và nếu người đọc không tin vào kiếp sau thì những chiếc giường kia tượng trưng cho nơi an nghỉ cuối cùng và kết thúc của bài thơ chỉ là cõi chết, điều mà chẳng ai mong sau một cuộc hành trình đầy lo âu và khổ nhọc như thế. - Đông Yên