PERCY BYSHE SHELLEY (1792-1822)
Percy Bysshe Shelley là một trong những nhà thơ lãng mạn hàng đầu của Anh và được xem là một trong những nhà thơ trữ tình tài nghệ nhất trong ngôn ngữ Anh. Vốn là người cực đoan trong thi ca cũng như trong quan điểm chính trị và xã hội, Shelley không được tiếng tăm mấy trong lúc sinh thời, nhưng sau khi ông qua đời vào năm 1822, càng ngày giới văn học Anh càng công nhận tài năng của Shelley và giá trị nghệ thuật trong các công trình của ông, kể cả những công trình không được lưu hành thời đó vì lý do chính trị và tôn giáo.
Shelley là một thành viên then chốt của một câu lạc bộ khép kín gồm những nhà thơ và nhà văn theo khuynh hướng Visionary poetry, trong đó có Lord Byron, Leigh Hunt, Thomas Love Peacock, và người vợ thứ hai của ông, Mary Shelley, tác giả của cuốn Frankenstein.
Có lẽ Shelley được biết đến nhiều nhất qua những bài thơ như Ozymandias, Ode to the West Wind, To a Skylark, Music, When Soft Voices Die, The Cloud and The Masque of Anarchy. Những công trình hàng đầu khác của ông gồm có vở kịch thơ nổi tiếng The Cenci (1819) và những bài thơ dài theo khuynh hướng visionary như Queen Mab (về sau đổi thành the Daemon of the World), Alastor, The Revolt of Islam, Adonaïs, Prometheus Unbound (1820) – được nhiều người xem là những kiệt tác của ông - Hellas: A Lyrical Drama (1821), và tác phẩm cuối cùng chưa hoàn tất, The Triumph of Life (1822).
Câu lạc bộ khép kín của Shelley gồm có một số những nhà tư tưởng cấp tiến quan trọng nhất thời đó, kể cả người bố vợ, triết gia William Godwin và Leigh Hunt. Mặc dù thơ và văn xuôi của Shelley vẫn tiếp tục được sáng tác suốt thời gian ông còn sống, đa số các nhà xuất bản và báo chí đã từ chối xuất bản công trình của ông vì sợ bị bắt về tội báng bổ hay nổi loạn (blasphemy and sedition). Thơ của Shelley đôi khi chỉ lưu hành bí mật trong lúc ông còn sống, nhưng ngày nay những thành tựu thi ca của ông được nhìn nhận rộng rãi. Tư tưởng cấp tiến về chính trị và xã hội của ông đã ảnh hưởng sâu xa lên các phong trào bình dân Chartism và những phong trào khác ở Anh cho đến ngày nay. Những lý thuyết của Shelley về kinh tế và đạo đức, chẳng hạn, đã có một ảnh hưởng sâu sắc đối với Karl Marx; những bài viết ban đầu của ông về phản kháng bất bạo động đã ảnh hưởng cả Leo Tolstoy lẫn Mahatma Gandhi.
Shelley đã trở thành một đá từ tính cho ba hoặc bốn thế hệ thi ca kế tiếp, kể cả những nhà thơ tiền Victoria và Raphael như Robert Browning and Dante Gabriel Rossetti. Ông nhận được sự khâm phục của Oscar Wilde, Thomas Hardy, George Bernard Shaw, Bertrand Russell, W. B. Yeats, Upton Sinclair và Isadora Duncan. Sự bất phục tùng dân sự (civil disobedience) của Henry David Thoreau rõ ràng chịu ảnh hưởng của chủ trương bất bạo động của Shelley trong phản kháng và hành động chính trị. Tiếng tăm và ảnh hưởng của Shelley đã tiếp tục lớn mạnh trong những cộng đồng thi ca hiện đại.
- Đông Yên