Phỏng
theo The Search for Meaning – Dennis
Ford
Đông Yên Lương Tấn Lực
“Those who seek the truth deserve the penalty of finding it.”
“Kẻ nào đi tìm
chân lý đáng bị trừng phạt vì đã tìm
được nó.”
** Xin lưu ý: chữ “tôi - Tôi” trong tài
liệu nầy ám chỉ Dennis Ford.
**
Vài nét về tác giả Dennis
Ford
Dennis Ford đậu Ph.D. tại
Đại Học Syracuse University. Trong khi theo học
chương trình hậu đại học ông nghiên cứu
với Huston Smith và James Hillman cũng như một số
người khác. Ông từng là
quản lý đại học, nhà xuất bản, giám
đốc tiếp thị, phân tích gia thương
mại. Trong nhiều năm
ông đã cộng tác với Scholars Press, một nhà xuất
bản sách báo cho Viện Hàn Lâm Tôn Giáo Hoa Kỳ, Hiệp
Hội Văn Học Thánh Kinh và mười sáu cơ sở
hàn lâm bất vụ lợi khác. Ngoài The Search for Meaning, Ford
còn là tác giả của Sins of Omission: A Primer on Moral
Indifference, cũng như những bài viết không
thường xuyên trên các tạp chí Christian Century, Religion in Life, Soundings, Rock & Ice, và Climbing.
Lời Tựa: Khi con người thắc mắc
về ý nghĩa cuộc sống
Cuộc sống có ý nghĩa hay không? Trước khi đặt câu hỏi, chúng ta sống trong một trạng thái hồn nhiên. Nhưng một khi thắc mắc đó trở thành một câu hỏi thực sự, một khi chúng ta hỏi liệu cuộc sống có ý nghĩa hay không, đó chính là điểm bất phục hồi. Nếu bảo hiện hữu của chúng ta là vô nghĩa thì chúng ta trở nên trơ trọi và dễ bị thương tổn. Tất cả chúng ta đi tìm một cuộc sống có ý nghĩa và có chuẩn đích, nhưng tìm được một cuộc sống như vậy quả thật khó.
Thoreau(1) sai lầm khi cho rằng hầu hết chúng ta đều sống trong tuyệt vọng âm thầm. Theo tôi, hầu hếTheo tôi, hầu hết chúng ta sống một cuộc sống chối bỏ. Tương tự như những trẻ con đi qua nghĩa trang, chúng ta nín thở khi đi qua bóng tối của vô nghĩa đang phủ kín cuộc đời của chíng ta. Hình ảnh được nhà truyền giáo Jonathan Edwards của thế kỷ mười chín gợi lên trong bài thuyết pháp “Sinners in the Hands of an Angry God” 3; treo mong manh bằng một sợi dây bên trên hơi nước và lửa địa ngục – khiến chúng ta cảm thấy đang lơ lửng trên hố thẳm của vô nghĩa. Chối bỏ vẫn còn hơn là làm cách nào khác: nếu những độ cao quá đáng sợ thì đừng dòm xuống. Làm sao chúng ta có thể tiếp tục sống nếu chúng ta phải thú nhận rằng cuộc đời là vô nghĩa?
Đối với những người đã từng kinh qua vô nghĩa, những lời giải thích là không cần thiết. Đối với những ai chưa kinh qua, những lời giải thích có nói ra cũng chẳng đủ.
“Tại sao?” là một câu hỏi đơn thuần và ấu trỉ. Một người nào đó chết, một người bạn vừa sinh ra một đứa bé tật nguyền, hay chúng ta có đọc về một trận lụt tàn phá ghê gớm ở Indonesia, và chúng ta hỏi “Tại sao?” Cuốn sách bán chạy nhất năm 1981 của Harrold Kushner When Bad Things Happen to Good People, được viết sau khi đưa con trai ba tuổi của ông được chẩn đoán mắc chứng suy hoại, là một trả lời chân thật cho câu hỏi. Trong những trường hợp như thế, thay vì quan tâm tìm kiếm một giải thích khoa học hay nguyên nhân, chúng ta đòi hỏi phải có một lý do hay một biện minh. Vì không thể trả lời câu hỏi “Tại sao” nên những tai ương như thế vẫn không hiểu được và không có một ý nghĩa nào.
Nếu câu hỏi “tại sao” được nêu lên trước những mất mát hay thảm trạng cụ thể thì nó cũng được nêu lên khi chúng ta nhìn vào cuộc sống của chúng ta một cách tổng thể. Liệu cuộc đời của tôi, với những vui buồn, yêu thương và phản bội, tựu trung đều là vô nghĩa? Nếu được yêu cầu để biện minh cho cuộc đời mình thì tôi sẽ trả lời ra sao? Tôi sẽ nói gì nếu tôi phải viết một bản cáo phó cho chính tôi? Phải chăng đời tôi có ý nghĩa bởi vì tôi đã sống phù hợp với luật lệ của Thượng Đế, bởi vì tôi đã kiếm được một tỉ Mỹ kim trong thị trường chứng khoán, hay bởi vì tôi đã tìm ra cách chửa trị bệnh ung thư? Khi một người ngồi xe công cộng đến sở làm hằng ngày thú nhận rằng đời bà ta dường như vô nghĩa, bà ta không đề cập đến một biến cố hay thảm trạng nào cụ thể, bà chỉ nói một điều gì đó liên quan đến toàn bộ kinh nghiệm sống của bà. Những câu hỏi liên quan đến sự hiện hữu của Thượng Đế và sự sống sau khi chết cơ bản là những câu hỏi liên quan đến ý nghĩa, giả định rằng nếu Thượng Đế và sự sống sau khi chết là có thật thì cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa theo một nghĩa nào đó.
Làm thế nào con người có thể trả lời câu hỏi liệu cuộc sống của họ có ý nghĩa hay không? Làm thế nào họ tìm được ý nghĩa trong cuộc sống của họ? Đây là những câu hỏi mà tôi theo đuổi.
Để trả lời câu hỏi về ý nghĩa, nhiều sách phổ thông lựa chọn một phương án quyết đoán duy nhất. Do đó, chẳng hạn, người ta định danh những yếu tố của một cuộc sống có chuẩn đích trong kinh thánh và Ky Tô Giáo. Ngược lại, The Search for Meaning nghiên cứu một loạt những lựa chọn mà con người đã xử dụng để đầu tư ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Như chúng ta sẽ thấy, câu hỏi về ý nghĩa không chỉ có một trả lời. Cách thức con người khám phá ra mục đích, cách thức họ định nghĩa “một đời sống ý nghĩa” ra sao, và cách thức họ đạt được cuộc đời đó ra sao khác nhau tùy mỗi người, và, thực chất đối với cùng một người, chúng cũng khác nhau tùy vào tuổi tác và hoàn cảnh. Cách thức ý nghĩa đi vào cuộc đời của một thổ dân Hoa Kỳ có thể hoàn toàn khác với cách thức nó đi vào cuộc đời của một khoa học gia đang làm việc cho Dự Án Manhattan. Câu hỏi “Ý nghĩa cuộc đời là gì?” – hàm ngụ như nó chỉ có một câu trả lời duy nhất – thực ra che đậy nhiều cách thức phơi bày chủ thể. Vì con người đầu tư ý nghĩa cho cuộc sống của mình một cách khác nhau, công trình nghiên cứu của tôi không đề nghị hay cổ xúy một câu trả lời duy nhất nào. Ngược lại, tôi đi ngược lại một bước để xem xét những cách thức khác nhau mà con người đã tìm cách trả lời câu hỏi, hoặc theo thần học, triết học, khoa học, hay cách nào khác.
Khi làm thế, cuốn The Search for Meaning thỏa mãn hai thành phần cử tọa. Thứ nhất, nó nói với những người dấn thân đi tìm ý nghĩa. Tất cả chúng ta đều muốn trả lời câu hỏi tại sao, y như tất cả chúng ta muốn tạo ra một cuộc sống có mục đích và ý nghĩa. Đối với một số chúng ta, những câu trả lời do các tôn giáo cổ truyền cung ứng không còn hiệu nghiệm nữa hay, tệ hơn thế, dường như chỉ đúng cho những tín đồ cực đoan và cuồng tín nhất trong số chúng ta mà thôi. Do đó, nhiều người đi tìm những cách thức mới vừa để hiểu và vừa để trả lời câu hỏi về ý nghĩa. Lịch sử về vấn đề ý nghĩa cho thấy những ví dụ vừa cũ vừa mới liên quan đến những phương thức để tìm ra ý nghĩa trong đời sống của chúng ta. Thứ nhì, cuốn sách đáp ứng những sinh viên đang nhập môn nghiên cứu ý nghĩa. Ý nghĩa là một câu hỏi trọng tâm và mang tính cách định nghĩa trong cả tôn giáo lẫn triết học. Hơn thế nữa, đó là chìa khóa để hiểu được những trào lưu lớn của tư duy Phương Tây. Khi quan sát con người đã đầu tư ý nghĩa thế nào cho đời mình, chúng ta sẽ thấy họ trả lời ra sao những câu hỏi khác trong đời họ vậy. Câu hỏi “Tại sao” được nêu ra liên quan đến những biến cố và đời sống, nhưng, chẳng hạn, nó cũng là câu hỏi căn bản trong đạo đức: Tại sao thế nầy mà không là thế khác? Tại sao phải tốt? Ý nghĩa do đó là một phương thế để sinh viên nhập môn vào các lãnh vực tri thức luận(2), siêu hình học, và gía trị học(3) của tôn giáo, triết học, và đạo đức học.
Trình bày vấn đề với các sinh viên dường như không giống như trình bày với những người đang dấn thân trong một truy tìm cá biệt hơn qua hiện hữu. Quan tâm của các sinh viên về kiến thức có vẻ mâu thuẩn với hoài bảo khai sáng của một tín đồ hành hương. Nhưng, như sẽ được sáng tỏ trong công trình nghiên cứu nầy, chủ thuyết thực dụng và hậu hiện đại đã phá hủy sự phân chia cổ truyền này giữa kiến thức khách quan và chủ quan. Họ đã cho chúng ta thấy rằng ngay cả một một nghiên cứu khách quan nhất cũng đầy dẫy những quan điểm và thiên kiến cá nhân. Vì là một tài liệu nhập môn, cuốn The Search for Meaning đưa ra những mô tả chính xác và khả tín về những phương án khác nhau mà con người đã xử dụng để đi tìm ý nghĩa. Nhưng như một công trình hậu hiện đại, tác phẩm nầy cũng công khai nhìn nhận rằng động lực nghiên cứu vẫn là một truy tìm cá nhân. Để gạt bỏ giả vờ khách quan thuần túy, cuốn sách sẵn sàng chấp nhận những danh xưng như tôi và chúng tôi cùng với phạm vi tham chiếu mang tính dấn thân, chủ quan hơn mà những từ đó cho thấy. Tôi hi vọng phương án nầy sẽ giúp cả hai giới độc giả của tôi – tức sinh viên và những kẻ dấn thân qua hiện hữu – thấy được rõ ràng hơn mối tương quan chặt chẽ giữa lãnh vực học giả và định hướng cá nhân.
Vi Phạm Điều Cấm Cuối Cùng
Nếu thú nhận rằng một bài viết về tôn giáo hay triết học cũng diễn đạt quan điểm cá nhân thì điều đó vi phạm những biên giới hàn lâm và văn hóa. Công khai nói về ý nghĩa và vô nghĩa là một trong những điều cấm cuối cùng. Nghi vấn về ý nghĩa cuộc đời làm cho chúng ta khó chịu.
Tôi đã khám phá điều nầy một vài năm trước đây. Qua buổi ăn trưa với một nhóm kỹ sư điện và nhu liệu điện toán, có một người hỏi tôi đang đọc cái gì. Tôi ấp úng trả lời là tôi đang đọc về ý nghĩa cuộc sống, như trong câu hỏi, “Ý nghĩa cuộc đời là gì?” Tiếp theo là một sự im lặng khó chịu và lúng túng. Trong khi mọi người đang nói về chính trị, xe cộ lưu thông buổi sáng, và giá nhà thì những lời nói của tôi đột nhiên vô tình gợi lên một hình ảnh gần như ma quái, hình ảnh mà mọi người đều cảm thấy nhưng không ai thích thú nhắc đến. Một khi câu hỏi đã được nêu lên, chúng ta không thể giả vờ là nó không được nêu lên.
Tương tự như khi nói về những đề tài cấm kỵ khác, nói về ý nghĩa có tác dụng vừa xua đuổi vừa thu hút người nghe. Những cuộc đàm thoại vể ý nghĩa và vô nghĩa nghe có vẻ khoa ngôn và liều lĩnh. Nếu người đối thoại kém lịch sự, tôi có thể tưởng tượng hó sẽ nói, “Ông sắp sửa nói với chúng tôi về ý nghĩa cuộc đời. Có đúng vậy không? Và trong khi ông nói thế, chắc ông cũng nói luôn về một phương pháp trị bệnh ung thư và một lý thuyết thống nhất về vũ trụ nữa!” Kỷ nguyên của chúng đang hoài nghi và bứt rứt với những tư tưởng trừu tượng khoa ngôn có khuynh hướng trở thành những từ viết hoa như Chân Lý, Thực Tại, và Ý Nghĩa. Nói đến những thứ nầy cũng gây ra cảm thức bối rối như nhiều người cảm thấy tại một đám tang. Chúng ta có thể tuân theo những nghi thức nghiêm trang và đọc lên những lời cầu nguyện bất tận cho một sự sống tốt đẹp hơn bên kia cõi chết trong khi thầm hỏi chúng ta đang cầu nguyện cho ai hay cho cái gì và nghi ngờ chuyện có gì hiện hữu ở phía bên kia nấm mồ. Vô hình chung chúng ta là những người theo thuyết duy danh: ý nghĩa là một tên gọi hay một phạm trù, nhưng chúng ta không thể thắc mắc phải chăng tên gọi đó thực sự hàm ngụ một thực chất nào không, tương tự như từ ngựa ám chỉ những động vật chạy trong trường đua Kentucky Derby.
Nêu lên câu hỏi về ý nghĩa cũng làm cho chúng ta bỏ đi vì những ai hay quan tâm đế vấn đề ý nghĩa thường tỏ ra ngông cuồng. Theo nhận xét của W.B. Yeats(4), dường như
“Những người tốt nhất thì thiếu
niềm tin, trong khi những người xấu nhất
Lại đầy cuồng vọng.”
Những tay khủng bố khi bay vào Trung Tâm Thương Mại World Trade Center và miệng hô vang “Allah Vĩ Đại”, tôi chắc chắn đầu óc họ thế nào cũng đầy ngập cảm thức về ý nghĩa và cứu cánh. Họ không hoài nghi ý nghĩa cuộc đời; thực vậy, một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa đã đưa họ đến tàn sát và tự sát. Nếu sống một cuộc sống ý nghĩa có nghĩa là cuồng tín thì chẳng ai có thể trách chúng ta sao im lặng khi có người đặt vấn đề cuộc đời có nghĩa hay không. Chẳng kém gì cuộc sống vô nghĩa, cuộc sống ý nghĩa cũng có những hiểm họa của nó.
Đối với những kỹ sư mà tôi đã đề cập ở trên, cũng có những lý do cấm kỵ. Vấn đề ý nghĩa không mang tính chất thực tế tức thời như vấn đề giải quyết kẹt xe, tăng số lượng bán ra, hay truy cập email từ xa. Đây là những câu hỏi thế nào rất quen thuộc với thời đại chúng ta. Ngược lại, chúng ta thấy khó chịu trước những câu hỏi hạch sách tại sao liên quan đến thách thức về ý nghĩa. Những câu hỏi có tính cách chiến thuật vẫn dễ trả lời hơn những câu hỏi có tính cách chiến lược: xác định cách thức để đi từ Topeka đến Seattle thì dễ hơn là giải thích tại sao lại quan trọng phải đi từ Topeka đến Seattle. Hơn nữa, những nỗ lực để giải quyết những câu hỏi tại sao dường như bất tận và chủ quan,vì không có một căn bản thống nhất hay có thể đo lường được, theo đó đánh giá một câu trả lời. Nếu không có những sự kiện có thể kiểm chứng và dữ kiện có thể đo lường được, những câu trả lời của chúng ta chỉ dựa trên những cảm nghĩ hay ý kiến độc đoán. Tôi nói đời có ý nghĩa, người khác nói đời là vô nghĩa, trong khi nhiều người khác nữa – có lẽ kể cả những người bạn thầm lặng của tôi – sẽ nói rằng câu hỏi tự nó hoàn toàn vô ích, vì cố hữu không thể giải quyết được. Từ ngữ để nói và để giải quyết câu hỏi về ý nghĩa bị giới hạn và cấm đoán.
Cuối cùng, nếu nói về ý nghĩa là vô ích thì đó cũng có nghĩa là oái ăm và phá hoại. Hỏi “Cuộc đời có nghĩa hay không?” – và thậm chí hơn thế, đưa ra một ý kiến về vấn đề đó – vô hình chung bộc lộ nội tâm của người hỏi hay trả lời. Nói “Tôi tự hỏi đời tôi chung qui có ý nghĩa gì không” tức là khuyến khích bạn bè thắc mắc phải chăng bạn đang bị bệnh suy trầm hay đau khổ. Họ sẽ hỏi ngay, “Có chuyện gì vậy?” Ngôn ngữ hoài nghi tự nó giả định rằng cuộc đời có ý nghĩa; vô nghĩa, chung qui, có nghĩa là thiếu đi một ý nghĩa có tính tiêu chuẩn. Tương tự, hỏi cuộc đời có ý nghĩa hay không là phá hoại bởi vì câu hỏi đó hàm ngụ rằng ý nghĩa mà chúng ta được giả định đi tìm trong đời được nhận thấy là không có – thứ ý nghĩa theo định nghĩa của cha mẹ, nhà thờ, nghề nghiệp, văn hóa, và chính trị. Hỏi cuộc đời có nghĩa hay không là thách thức và phá hoại tính chính đáng của những câu trả lời mà người khác cung ứng.
Ngược lại, nói “Vâng, tôi nghĩ rằng cuộc đời có một ý nghĩa và mục đích lớn lao” là chuốc lấy rủi ro bị xem như một Pollyanna(5) hay một thành viên của một thiểu số ưu đãi không quen biết đến nghèo khó và bất công. Nêu lên một câu hỏi liên quan đến một sự kiện lịch sử hay những gì mà Platon nói về nghệ thuật hay đạo đức không gợi ra một trình độ riêng tư và dấn thân cá nhân như câu hỏi về ý nghĩa sự sống. Chúng ta không thích nói về vô nghĩa và ý nghĩa bởi vì câu hỏi đó có thể như tự vạch áo cho người xem lưng. Tương tự như những bàn luận về tình dục và tiền, tôi không thể nói nhiều về nghi vấn cuộc sống có ý nghĩa hay không mà không nói gì về kinh nghiệm của riêng tôi. Và như thế, vì sợ tự phơi bày mình với mọi người, nhất là liên quan đến một đề tài riêng tư nhưng thiết yếu như thế, chúng ta giữ im lặng.
Ngược lại, nếu chúng ta vốn ghét nói về ý nghĩa và vô nghĩa thì, tuy nhiên, chúng ta vẫn bị lôi cuốn vào đề tài, đại để như một nhu cầu sinh học. “Cuộc sống có ý nghĩa hay không?” là một cau hỏi thiết yếu và không thể lẫn tránh của con người. Nếu chúng ta không nêu lên câu hỏi đó thì chứng tỏ chúng ta kém đi tính người. Nếu vũ trụ là vô nghĩa thì thế nào đây? Liệu điều đó sẽ không thay đổi tình thế? Phải chăng khái niệm về vô nghĩa là một vực thẳm và bên kia bờ vực thẳm đó chúng ta không thể tưởng tượng được gì cả? Trên một bình diện phổ quat, sự kiên trì và kiên định của những người chống đối thuyểt tiến hóa cho thấy họ cương quyết không chấp nhận sự vô nghĩa hàm ngụ trong đề xuất cho rằng sự hiện hữu của chúng ta ở đây không có lý do nào tốt hơn hay mục đích nào cao hơn là sự đào thải tùy tiện. Nếu sự sợ hãi lớn nhất nơi nhưng người theo trường phái tự do là chủ nghĩa cuồng tín thì sợ hãi lớn nhất của những người bảo thủ là khái niệm vô nghĩa. Một khi đã nêu ra, câu hỏi về ý nghĩa không thể lẫn tránh được nữa, và câu trả lời – bất luận chúng ta trả lời thế nào – dường như sẽ không bao giờ thỏa đáng. Chúng ta vui vẻ luân lưu trong cuộc đời ngày nầy sang ngày khác cho đến khi một người thân của chúng ta chết đột ngột trong một tai nạn. Những nỗ lực tạo dựng một gia đình hạnh phúc bỗng chấm dứt trong phản bội và ly dị. Con người trẻ trung và cường tráng, sau đó lại già nua và bệnh tật. Kinh nghiệm thường dường như thúc ép chúng ta sống vô cùng tuyệt vọng, nhưng sau đó có người nói, “Anh yêu em” hay “Em yêu anh” hay cầm tay bạn. Martin Luther King Jr. đứng lên chống lại bất công. Đội bóng Boston Red Sox thắng dội Yankees ở hiệp bảy và đoạt giải World Series. Phép lạ của nhứng phép lạ! Đột nhiên, thế giới dường như lành lặn trở lại, tràn đầy ân sủng, tràn đầy ý nghĩa và cứu cánh.
Câu hỏi về ý nghĩa – hay chính xác hơn về sự truy tìm hay hoài niệm về ý nghĩa – là trọng tâm của nhiều triết học, văn học, và thần học của thế kỷ mười chín. Người ta nghĩ về truyền thống trải dài từ Nietzsche đến Hemingway, Sartre, và các triết gia kế tiếp; thực vậy, khó mà nghĩ về một nhà văn lỗi lạc nào của thế kỷ hai mươi mà không ưu tư về câu hỏi trọng tâm đó. Tư thế tối thượng của những tác giả nầy và sự kiện nhiều người như thế đã lắng nghe họ chứng minh nỗi khát vọng của thời đại mà họ thuyết giảng. Hơn nữa, câu hỏi đúng sai, hiện hữu của cái xấu, và nhu cầu cứu rỗi là những phần phụ tùy của câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Những câu hỏi nầy có nghĩa gì nếu vũ trụ tự nó là vô nghĩa? Ngay trong trường hợp không thích công khai nói về ý nghĩa sự sống đi nữa, chúng ta vẫn phải đọc và ghi nhận những gì kẻ khác nói – từ một khoảng cách an toàn – tương tự như những người vốn né tránh đề cập đề tài cấm kỵ về tình dục trong thập niên 1960 lại lén lút suy nghĩ về nó và lén lút đọc Human Sexual Response của Masters và Johnson(6). Con người vừa muốn vừa không muốn nói về sự hiện diện hay khiếm diện của ý nghĩa cuộc sống.
Chúng ta là những sinh vật lưởng thê,
đứng giữa cái nầy và cái kia đồng thời
không phải là cái nầy mà cũng chẳng phải cái kia
The Search for Meaning đặt tiền đề trên hai giả định.
Do đó cuốn sách nầy nhìn vào khoảng trung dung, một vị trí trong đó chúng ta không cảm thấy thoải mái với những gì có vẻ như là những trả lời sai hay đạo đức giả do văn hóa cung ứng và cả với một cuộc sống theo lối hiện sinh theo lẽ là một cuộc sống vô nghĩa ngày qua ngày. Trong cả hai trường hợp, chúng ta mong ước một cái gì hơn thế. Khi nhìn nhận giả định thứ nhất, chúng ta đồng thời nhìn nhận một kinh nghiệm về chối bỏ văn hóa và gia nhập hàng ngủ của những kẻ mà Colin Wilson gọi là “những người ngoại cuộc - outsiders” trong một tác phẩm nổi tiếng qua đêm khi được xuất bản vào năm 1956 mang tựa đề The Outsider. Bằng mọi lý do, chúng ta đứng chung hàng ngủ với những kẻ đi đày kia, những kẻ mang bệnh ngứa về ý nghĩa và cứu cánh không thể xoa dịu bằng thể thao, bằng một nghề thượng thặng, hay những thành công rực rỡ của con cái. Cho dù tất cả những mong ước của chúng ta trở thành sự thật đi nữa, chúng ta cũng nhanh chóng trở nên nhàm chán, ngán ngẩm, và bất mãn với số phận. Adam và Eve chung qui đã bất mãn ngay trong Vườn Địa Đàng. Không có giải trí, không phân biệt giàu nghèo, không liên hệ nào có thể đè nén được giọng nói âm thầm nhưng khẩn khoản, “Rút cục để làm gì?” Chúng ta và mọi người mà chúng ta quen biết đều sẽ chết và bị xóa nhòa trong ký ức. Trái đất chỉ là một chấm nhỏ phù phiếm vô nghĩa trong sự trương nở của thời gian và không gian, tức là của vũ trụ. Như Tolstoy, tôi tự hỏi làm thế nào con người có thể sống khi nhận thức sự phù phiếm của cuộc đời và sự thờ ơ của vũ trụ. Phải chăng chúng ta chỉ sống hạnh phúc bao lâu chúng ta từ chối câu hỏi?
Đương nhiên, như bao nhiêu người khác, tôi tìm đến tôn giáo để có câu trả lời cho những câu hỏi như thế trong thời xuân trẻ. Tội lỗi, cứu vãn, chấp nhận chúa Jesus như đấng “cứu tinh” của mình và mưu cầu “ân điển đời đời” tất cả đều có dính dáng đến câu trả lời, mặc dù tôi không bao giờ biết chắc chắn bằng cách nào. Ky Tô Giáo cung ứng sự an ủi và ủy lạo cho những người khác; nó đặc biệt không hiệu quả đối với tôi. Tham dự một buổi hội thảo chỉ để dấy lên nhiều câu hỏi hơn. Cuối cùng, tôi trở nên một người ngoại đạo đối với Ky Tô Giáo, cũng như đối với văn hóa Hoa Kỳ, và càng ngày tôi càng thấy không có gì chắc chắn về những niềm tin của tôi. “Chất vấn thẩm quyền” là câu thần chú đối với thế hệ của tôi. Những niềm tin của tôi về thế giới và về những hư thực do đó trở nên một trở ngại cho tín ngưởng. Và đồng thời tôi phải thú nhận không cảm thấy tội lỗi và cần phải được cứu vớt, hay ít nhất không cần cứu vớt theo lối cứu vớt có được bằng cách tin Chúa. Nếu tôi không làm điều xấu thì đó chẳng phải vì sợ sẽ chết cháy dưới hỏa ngục. Tất cả những điều đó chỉ muốn nói lên rằng tôi không tìm thấy trong Ky Tô Giáo một câu trả lời tức thì hay đơn giản cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống.
Trong khi nhận thấy Ky Tô Giáo cổ truyền là khiếm khuyết, không như nhiều người khác, tôi không từ bỏ cuộc truy tìm ý nghĩa xuyên suốt quá trình tìm hiểu thời trẻ về tôn giáo. Tôi bắt đầu nhìn sang hướng khác để tìm ra một ví dụ liên quan đến cách thức mà con người đầu tư ý nghĩa cho cuộc sống của mình – hay chính xác hơn, tôi bắt đầu công nhận rằng ý nghĩa có thể có những nguồn gốc khác hơn là Ky Tô Giáo và những tôn giáo kỳ cựu. Kết quả, dù không quá khắt khe, tôi thường định nghĩa tôn giáo theo chức năng như bất kỳ một hệ ký hiệu và nghi lễ vốn cung ứng một định nghĩa về ý nghĩa và định hướng cuộc sống, bất luận chúng có đến hay không từ những tôn giáo cổ truyền, triết học, tâm lý học, hay những phương diện nào khác của một nên văn hóa theo lẽ là thế tục như thể thao và giải trí dân gian. Tra vấn về ý nghĩa có nghĩa là một truy cứu tôn giáo, nhưng nó còn là một truy cứu triết học, tâm lý học, và thần học, theo nghĩa mỗi bộ môn trên nêu lên những câu hỏi tương tự liên quan đến những gì tạo nên cuộc sống tốt và ý nghĩa, cho dù chúng có trả lời những câu hỏi kia bằng những phương thức khác biệt một cách cơ bản đi nữa. Tôi đã quyết định bàn thảo câu hỏi về ý nghĩa bên ngoài những phạm trù tôn giáo cổ truyền – ít nhất trong bước đầu – đơn giản bởi vì đối với một số người những ký hiệu và phạm trù tôn giáo cổ truyền không còn hợp thời nữa. (Tôi định nghĩa tôn giáo một cách siêu hình và do đó cổ điển hơn – và xin xem sự khác biệt – trong chương 8.) Cho dù có thích đáng hay thậm chí trung thực đến đâu đi nữa, ngôn ngữ thần học cổ điển về tội lỗi và cứu vãn, tiền định và ân sủng, có thể rơi vào những lỗ tai điếc. Trong một nền văn hóa thế tục, kỹ thuật, con người có thể vớ được một định nghĩa về ý nghĩa cuộc sống mà không nhất thiết phải đi tìm chúng trong tôn giáo cổ truyền. Nhiều người tìm cách sống “tâm linh” mà không cần theo tôn giáo nào cả. Câu hỏi về Thượng Đế và câu hỏi về ý nghĩa do đó có thể phân biệt với nhau: con người có thể tìm ra ý nghĩa mà không cần hướng về một thần linh cổ truyền. Cuốn sách nầy do đó bàn về một truy tìm ý nghĩa đúng hơn là truy tìm Thượng Đế.
Trong tiểu thuyết Moby Dick, Ishamael bắt đầu phiêu lưu bằng cách mô tả làm thế nào trong tháng Mười Một giá buốt của tâm hồn, ông thấy mình “vô tình đứng trước những tiệm bán quan tài và thấy hết mọi đám tang mà tôi gặp”. Tương tự, tôi tự thấy mình vô tình đứng trên những đọan văn trong sách đã đọc và trong những mẩu đàm thoại liên quan đến ý nghĩa và mục đích. Cuốn sách theo sau là kết quả đến từ đó. Những người khác có thể bị lôi cuốn đến những trang báo hay những phép tính vật lý lượng tử, nhưng nếu, như tôi, bạn bị lôi cuốn đến những câu hỏi về ý nghĩa thì cuốn sách nầy dành cho bạn đấy. Vì chúng ta không thể tin chắc được gì nơi thế giới, vì chúng ta tự thấy hoang mang tự hỏi tại sao lại có một cái gì đó thay vì không có gì cả, chúng ta luôn luôn đòi cho được một câu trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào con người – và đặc biệt là tôi – đầu tư ý nghĩa cho đời mình?”
Phương hướng và lộ trình là những hình ảnh quen thuộc trong lịch sử truy tìm của trí tuệ, kể cả việc truy cứu phương thức con người đầu tư ý nghĩa cho đời mình. Ý nghĩa không chỉ là cái gì mà chúng ta đã từng có nhưng nay đã mất; ý nghĩa cũng là cái mà chúng ta luôn luôn hướng đến. Do đó, tôi thừa nhận những cẩm nang tốt mà tôi đã tin cậy, và những cẩm nag nầy được tham chiếu trong trong phần ghi chú và tiểu sử. Với những đồng hành đó chúng ta không còn là những kẻ lưu đày lẻ loi đơn độc nữa. Ngược lại, chúng ta trông giống hơn với những người tập sự đang bắt đầu một cuộc phiêu lưu lớn, những tân sinh đi vào một bí mật lớn.Những gì mà người sơn cước Pháp Gaston Rébuffat (1921-1985) nói về quá trình trở thành một người leo núi cũng áp dụng tốt cho một cuộc nghiên cứu về ý nghĩa cuộc sống:
Tôi thường nghĩ về người chỉ
đạo Moulin và cách mà ông ta bắt đầu dạy
tôi. Bấy giờ đúng
hơn tôi đã leo núi cả ngàn lần trong cả bốn
mùa. Đôi khi tôi có cảm
tưởng rằng núi là thổ địa của tôi; tuy
thế, mỗi lần tôi vượt qua được
chướng ngại vô hình, mặc dù “cảm thấy”
rất tốt, tôi luôn luôn để ý thấy hơi run trong lòng. Những gì Moulin “biết”
nhiều năm trước đó thì bây giờ tôi
“biết”. Nhưng cho dù tôi có
leo hết các núi qua hết mọi đường thì tôi
cũng chẳng bao giờ biết mọi chuyện liên quan
đến cái thế giới mà tôi yêu. Tôi sẽ luôn luôn đi trên
đường(7).
(1)
Henry David Thoreau (1817 – 1862) là một tác giả
người Mỹ, một nhà thơ,sử gia, triết
gia. một trong những tác
phẩm nổi tiếng của ông là Walden, một tư duy
về lối sống giản đơn trong những môi
trường thiên nhiên; và bài tiểu luận “Civil
Disobedience” của ông cổ xúy đối kháng cá nhân
dưới hình thức bất phục tùng chế
độ nhằm phản đối tình trạng bất
công.
(2)
Tri thức luận (Epistemology - tiếng Hy lạp ‘episteme’ = tri thức
(knowledge) và logos = khoa học) là lý thuyết về sự
hiểu biết, một ngành của triết học liên
quan đến bản chất và phạm vi của nhận
thức. Đề tài tranh
luận chính là phân tích bản chất của tri thức và
tương quan của nó với những khái niệm
như chân lý (truth), niềm tin (belief), và biện minh (justification)
- tức là lý do tại sao chủ thể có niềm tin nào
đó, giải thích tại sao niềm tin đó là thật,
hay giải thích làm sao mà chủ thể đó biết
những gì mình biết. Tri thức luận cũng bàn
đến những phương pháp sản tạo tri
thức, cũng như sự hoài nghi đối với
những lý thuyết tri thức khác nhau. Nói cách khác, tri thức luận
chủ yếu giải quyết những câu hỏi như
“Tri thức là gi – What is knowledge?”, “Tri thức có
được bằng cách nào?”,
“Con người biết được những gì?”,
và “Làm sao chúng ta biết những gì chúng ta biết – How do we
know what we know?”
(3)
Giá trị học (Axiology) là
bộ môn nghiên cứu về phẩm chất của giá
trị (quality of value) - tức thuộc tính (property) của
sự kiện vật lý hay trừu tượng biểu
tượng tầm mức quan trọng của chúng. Bộ môn nầy thường bao
gồm đạo đức học và thẩm mỹ
học (ethics and aesthetics).
Một lãnh vực thường được theo
đưổi nghiên cứu là giá trị học thuần lý
(formal axiology), tức là cố
gắng đề ra những nguyên tắc về giá trị
bằng phuơng pháp toán học.
Từ “axiology”đôi khi được dùng để
chỉ giá trị kinh tế (economic value).
(4)
William Butler Yeats (1965 -
1939) là một nhà thơ và viết kịch Ái Nhĩ Lan, và là
một trong những khuôn mặt tiên phong của văn
học thế kỷ hai mươi.
(5)
Pollyanna là một tiểu thuyết bán
chạy nhất năm 1913 của Eleanor H. Porter ngày nay
được xem là một tác phẩm văn
chương cổ
điển, trong đó nhân vật mang tên tựa đề
trở thành một từ thông dụng để ám chỉ
một người có dáng dấp lạc quan
(6)
The Masters and
Johnson research team: toán nghiên cứu gồm William H. Masters and Virginia E. Johnson, tiên phong trong lãnh vực nghiên
cứu về bản chất của đáp ứng tình
dục nơi con người và chẩn đoán và trị
liệu những bệnh rối loạn và trục trặc
chức năng tình dục từ năm 1957 đến
những năm 1990.
(7)
Gaston Rébuffat, “On Snow and Rock”, bản dịch
của Eleanor Brockett (1963; New York: Oxford University Press, 1968)