The Imp of the Perverse - Tiểu Yêu của Thằng Khốn
(...) Khi xem xét những tính năng của xuẩn động – những động cơ hàng đầu của tâm lý con người – các nhà hiện tượng luận đã quên dành chỗ cho một xu hướng cũng đã bị tất cả các nhà đạo đức học trước họ xem thường, mặc dù nó rõ ràng hiện hữu như một cảm tính cơ bản, nguyên thủy, bất khả giản lược. Lý trí ngạo mạn của chúng ta đã làm ngơ nó. Chúng ta đã đành chịu để nó trốn thoát khỏi tri giác của chúng ta, chỉ vì thiếu tin tưởng – hay thiếu niềm tin – dù đó là niềm tin vào Mặc Khải hay niềm tin vào Kinh Thánh. Chúng ta đã không bao giờ nghĩ đến nó, chỉ vì tính siêu vượt của nó. Chúng ta thấy không cần đến xuẩn động mới có xu hướng. Chúng ta không thể nhận thấy nhu cầu về nó. Chúng ta không thể hiểu, hay đúng hơn, có thể chúng ta đã không thể hiểu, có bao giờ khái niệm về động cơ tiên khởi có thể tự nó hiển hiện. Có thể chúng ta không thể hiểu làm thế nào nó có thể có khả năng thúc đẩy những hành động của con người xa hơn, dù tạm thời hay vĩnh viễn. Không thể phủ nhận rằng não tướng học và, tổng quát hơn, những khoa siêu vật lý, đều được bịa ra một cách tiên thiên. Con người tri thức hay luận lý – thay vì con người nhận thức hay quan sát – tự ý hình dung những mẫu thiết kế - để phán ra những mục đích cho Thượng Đế. Sau khi đã thăm dò thỏa thích những ý hướng của Chúa Trời, chẳng hạn, họ xây dựng vô số những hệ thống về tinh thần. Về khoa não tướng học, chẳng hạn, trước tiên chúng ta quyết định một cách khá tự nhiên rằng con người phải ăn vì đó là ý hướng của trời. Sau đó, chúng ta gán cho con người một bộ phận tiêu hóa, và bộ phận nầy chính là hình phạt mà Thượng Đế dùng để bắt buộc con ngươi phải ăn, dù muốn dù không. Hơn nữa, sau khi quyết đoán con người phải tiếp tục sinh đẻ vì đó là ý trời, chúng ta khám phá ra một bộ phận sinh dục, và cứ thế tiếp tục. Và cũng thế với đầu óc đấu tranh, lý tưởng, luật nhân quả, tinh thần xây dựng – tóm lại, cũng thế với mọi bộ phận, dù biểu tượng cho một xu hướng, cảm thức đạo đức hay năng tính của tri thức thuần túy. Và trong những sắp xếp đó về các nguyên lý của hành động con người, trường phái Spurzheim, dù đúng hay sai, một phần hay toàn bộ, trên nguyên tắc, chỉ đi theo những bước chân của những người đi trước: loại suy và thiết lập mọi thứ từ số phận được khái niệm trước của con người, và dựa trên nền tảng các sự vật của Đấng Tạo Hóa của mình.
Tốt hơn, và an toàn hơn, nên xếp hạng, nếu cần, trên nền tảng những gì con người đã thường làm hay thỉnh thoảng làm, và luôn luôn thỉnh thoảng làm, thay vì trên cơ sở những gì mà chúng ta đinh ninh Ông Trời muốn họ làm. Nếu chúng ta không thể hiểu Thượng Đế trong những công trình hiển thị của ngài, thì làm sao chúng ta hiểu được ngài trong những ý nghĩ không thể khái niệm được nhằm đưa các công trình đó vào hiện hữu? Nếu chúng ta không thể hiểu ngài trong những sinh vật khách quan, thì làm sao chúng ta có thể hiểu ngài trong những phương thức và giai đoạn quan trọng của ngài về sáng tạo?
Có thể phương pháp quy nạp, hậu thiên, đã khiến não tướng học thú nhận một nghịch lý nào đó như một nguyên lý bẩm sinh và tiên khởi của hành động con người - một nghịch lý mà chúng ta có thể gọi là tính Ngoan Cố, vì không có từ ngữ nào chính xác hơn. Theo nghĩa tôi muốn nói, thực sự đó là một động lực không động cơ, một động cơ không khởi động. Xuyên qua những thôi thúc của nó, chúng ta hành động mà không có mục tiêu nào có thể hiểu được; hay, nếu điều nầy được hiểu như một mâu thuẫn về ngôn từ, thì chúng ta có thể sữa đổi lối hành văn để nói rằng xuyên qua những thôi thúc của nó, chúng ta hành động vì lý do chúng ta không nên hành động như thế. Trên lý thuyết, không lý do nào có thể vô lý hơn cái lý do vừa nói, nhưng trên thực tế, không có lý do nào mạnh hơn nó. Với một số đầu óc nào đó, dưới những điều kiện nào đó, lý do đó trở nên tuyệt đối bất khả kháng. Nếu tôi chắc chắn rằng mình đang thở thì tôi càng chắc chắn rằng tính tất yếu của điều sai trong bất kỳ hành động nào cũng thường là sức mạnh bất khuất thôi thúc chúng ta, và đơn phương thôi thúc chúng ta theo đuổi nó.
Xu hướng bất khả kháng nầy của hành động sai trái chỉ vì hành động sai trái sẽ khó phân tích hay phân chia thành những yếu tố khuất lấp hơn. Đó là một xuẩn động đơn trạng, cực đoan, và tiên khởi. Tôi nhận thấy rằng, khi chúng ta cố kiên trì trong hành động vì cảm thấy chúng ta không nên kiên trì với chúng, cử chỉ của chúng ta chỉ là một biến thể của cử chỉ thường phát sinh từ khuynh hướng chiến đấu của não tướng học. Nhưng một cái nhìn thoáng qua sẽ cho thấy sai lầm của ý tưởng nầy. Tinh thần chiến đấu của não tướng học trong yếu tính của nó, có tính tất yếu của tự vệ. Đó là sự tự vệ của chúng ta chống lại thương tật. Nguyên tắc của nó liên quan đến an sinh của chúng ta, và như thế nguyện vọng được khỏe mạnh được khơi động cùng một lúc với sự phát triển của nó. Do đó, nguyện vọng được khỏe mạnh phải được khởi động đồng thời với bất kỳ nguyên tắc nào vốn chỉ là một biến thể của tinh thần chiến đấu, nhưng trong trường hợp của cái gì đó mà tôi gọi là tính Ngoan Cố, nguyện vọng được khỏe mạnh không chỉ được khởi động mà có mặt một tình cảm mâu thuẫn mãnh liệt. (...)
|