KHI KHẨN CẤP THÌ GỌI AI?
Kiều Mỹ Duyên
Vĩnh Tung
Nguyễn Phước Vĩnh Tung
Con người sống có lúc vui, lúc buồn, lúc vui thì không nói chi, những lúc buồn, hoặc khi khẩn cấp nhất thì gọi ai? Gọi cho người thân nhất của mình. Một người gọi tôi và nói:
- Một người chuẩn bị ra đi, có thế đi bất cứ lúc nào hôm nay hay ngày mai.
Tôi nghĩ đến các Hoà Thượng, Thượng Tọa, sư bà, ni sư, sư cô vì người bệnh nhân này là Phật tử, giờ phút lâm chung thế nào cũng nghĩ đến Trời Phật. Tôi thường vào viện dưỡng lão, nhà thương. Bệnh nhân tôi gặp nếu là Phật tử thì tôi nghĩ ngay đến các Hoà Thượng, Thượng Toạ, nếu là Công giáo thì tôi nghĩ đến linh mục.Hàng tuần trên các chương trình tôi phụ trách trên tivi, radio, tôi thường kêu gọi đồng hương, các ban tổ chức gây quỹ cứu trợ, thì xin cho tôi được góp một bàn tay, thông tin miễn phí trên các chương trình của tôi. Hiện nay, trên các chương trình của tôi phát hình bảy lần một tuần, ba lần trên làn sóng 57.3, hai lần trên làn sóng 56.5, trên làn sóng tivi 18.11 và trên radio 106.3 FM sáng thử bảy từ 8-9 giờ sáng. Lượng khán thính giả rất nhiều, radio cũng có nhiều người nghe vì phát thanh vào giờ tốt.
Khi tôi nghe một người sắp đi, gọi đến vị Hoà Thượng trụ trì của 4 chùa ở quận Cam, vì Hoà Thượng thứ nhất đang dự đại hội Phật giáo thế giới, vị thứ hai từ ngày bệnh không đi cầu an cho người ở bệnh viện, Hoà Thượng thứ ba nói buổi chiều có thể đi được, còn Hoà Thượng thứ tư đang đi bác sĩ nhưng nhờ sư đệ đi tụng kinh cầu an. Sư đệ này đi lúc 12 tuổi, vì Hoà Thượng thứ năm đang ở xa quận Cam và đang tụng kinh cho 4 Phật tử vừa qua đời, cuối cùng Thượng Toạ và tôi đến bệnh viện để cầu an cho người bệnh.Tôi thường xuyên mời khán thính giả cầu nguyện cho bệnh nhân đang trong viện dưỡng lão, ở nhà thương, ở nhà sớm hồi phục để sống vui vẻ với người thân của mình. Và tôi cũng thỉnh cầu các chủ tôn đức tụng kinh cho người đang hấp hối hoặc vừa qua đời. Hôm nay Hoà Thượng Minh Mẫn cử Đại Đức Thiên Đạt đến nhà thương cầu an cho người bệnh, cầu nguyện cho một Phật tử sắp ra đi. Khuôn mặt bệnh nhân thản nhiên, mắt vẫn mở, nước biển vẫn chuyển vào cánh tay người bệnh, tôi nói:
- Phật bà Quan Âm phù hộ cho anh. Anh kể, ngày xưa thuyền đi tị nạn, được Phật bà che chở và đến bờ biển Mã Lai. Nửa đêm, nhớ ảnh của Phật bà, nên anh bơi ra biển, lên tàu đem tượng Phật bà vào bờ và đem qua Mỹ thờ cho đến ngày hôm nay, môi của bệnh nhân mấp máy. Thầy Thiện Đạt bắt đầu tụng kinh, tiếng tụng kinh ấm. Người y tá vào phòng và kéo cánh cửa lại. Người y tá tôn trọng sự linh thiêng của sự cầu nguyện. Người bệnh cố ý lắng nghe tiếng tụng kinh, mắt người bệnh vẫn mở. Thầy vẫn tụng kinh, tiếng kinh nhẹ nhàng, trầm ấm Sau hồi kinh, thầy nói những câu vô cùng ý nghĩa. Thầy Minh Mẫn, viện chủ chùa Huệ Quang nói:
- Em tôi cũng lớn rồi, giống tôi, đi tu hồi nhỏ.
Tôi đến chùa Huệ Quang đón Thầy Thiện Đạt. Mỗi người chúng ta đều có số, giờ phút lâm chung gặp ai, thì gặp người đó. Mẹ tôi vừa sang thì đến ở chùa Huệ Quang. Thầy Minh Mẫn tụng niệm và bây giờ tôi cũng nhờ thầy ở chùa Huệ Quang tụng niệm cho Phật tử sắp lìa đời. Bệnh nhân nằm ở viện dưỡng lão, rồi vào nhà thương thời gian dài 4 năm. Bốn năm thật dài với một võ sư, một chiến sĩ QLVNCH, không than, không rên la, không buồn phiền người xung quanh, yên lặng, xem tivi, nghe radio, trong viện dưỡng lão nào cũng có tivi, radio, báo tiếng Việt. Người bệnh vẫn nằm trên giường, khuôn mặt hồng hào giống như người khỏe mạnh, tôi có cảm tưởng người bệnh đang lắng nghe kinh. Cha mẹ bệnh nhân là người mộ đạo, tháng nào cũng ăn chay, làm việc từ thiện, giúp đỡ người khốn khổ, bệnh nhân là người con hiếu thảo với cha mẹ, và thương các em. Con của người bệnh cũng là con hiếu thảo, lúc sắp sửa thi State Bar, luật của tiểu bang Cali thì thân phụ bệnh, con gái phải kề cận bên cha. Thầy Thiện Đạt vẫn tụng kinh, khuôn mặt của thầy thật hiền, hình như thầy rời xa thế giới này đang ở thế giới nào đó. Trong phòng yên lặng chỉ có tiếng tụng kinh, thỉnh thoảng bình dưỡng khí gây tiếng động theo hơi thở của bệnh nhân.
"Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn."
Con người bất lực trước cái chết. Ai rồi cũng phải chết, chết là hết, người ở lại vẫn phải đi làm để sống, sống cho hết kiếp này.
Trở về văn phòng, tôi gọi bác sĩ Nguyễn Hùng, là bác sĩ chăm sóc người lớn tuổi, là Board Director của bệnh viện Garden Grove. Tôi nói tình trạng bệnh nhân này cho bác sĩ Nguyễn Hùng nghe, ông đang học training ở Pasadena, giờ trưa, bác sĩ Hùng trả lời ngay, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân từ 4 năm nay, dù bệnh nhân đã vào bệnh viện nhưng bác si Hùng vẫn tiếp tục theo dõi tình trạng của bệnh nhân. Ông nói: "nhiều khi bênh nhân rất nguy ngập nhưng, vẫn vượt qua."
Tôi nói với bác sĩ, tôi vào thăm bệnh nhân cách 4 ngày trước, tôi nhắc lại nếu một mai bệnh nhân về với ông bà thì ước nguyện là gì?
Tôi nhắc lại bệnh nhân đã từng nói với tôi: hoả táng và đem về Việt Nam, vì ở đó có mồ mả ông bà cha me, và em gái mà bệnh nhân thương nhất.
Nghĩa tử là nghĩa tận, không ai có quyền làm trái nguyện vọng của người qua đời. Cuộc đời 76 năm không là bao? Chưa làm được những gì mình mơ ước? Sống, hãy thương yêu nhau, mai này còn có gặp nhau, nào ai biết được? Người chết là hết, nhắm mắt là xong, không bao giờ thức dậy là xong cuộc đời. Tôi thương cho người ở lại, tôi thương cho người vừa ra đi, bao nhiêu mơ ước chưa hoàn tất, người thì mong chết trên quê hương yêu dấu của mình, người thì mong được yên giấc bên cạnh mồ mả ông bà cha mẹ của mình. Nhưng than ơi, sống lưu vong, chết thì hoả táng. Tôi đã từng nhìn thấy quan tài của mẹ tôi vào lò hỏa táng. tôi xỉu, bất tỉnh và được chở đến nhà thương, không nhìn thấy lúc ngọn lửa đốt thân xác của mẹ tôi.
Tôi thường đến thăm người hấp hối trong bệnh viện. Tôi chú trọng nhất là phần hồn. Người chết trước khi qua đời cần nghe kinh. Tuỳ theo tôn giáo, và cần những vị lãnh tinh thần đến cầu nguyện. Có một lần trong bệnh viện Fountain Valley( Hopepeace ), tôi hỏi một bệnh nhân
- Chị có cần cha đến để cầu nguyện cho chị không?
Bệnh nhân gật đầu, Tôi gọi điện thoại đến giáo sư Lê Tinh Thông mời dùm một linh mục. Một giờ sau linh mục Trần văn Kiểm ( bây giờ là giám đốc trung tâm Công Giáo giáo phận Orange County) đến cầu nguyện cho bà cụ. Tôi đứng dưới lầu đợi cha Kiểm. Tôi chưa gặp cha bao giờ chỉ nghe tên của cha hay đọc tên của cha ở tờ báo Hiệp Thông. Cha đến giữa mùa Đông giá lạnh, cha cầu nguyện cho cụ bà cụ bà nằm im không có tiếng động, lắng nghe lời cầu nguyện của cha. Trước đây mấy phút, cụ lăn qua lộn lại vì cơn đau, nhưng khi cha đọc kinh thì cứ nằm im. Có một lần tôi hỏi một bệnh nhân nằm trong bệnh viện Fountain Valley:
- Trung Tá có thích có thầy đến cầu nguyện cho Trung Tá không?
Bệnh nhân gật đầu. Tôi thỉnh cầu Hoà Thượng Minh Trí. Thầy và đệ tử đến ngay, lúc đó thầy còn trẻ, không cần xe đón. Thầy tụng kinh cho bệnh nhân sau đó bệnh nhân ra đi êm ả. Có những sự huyền nhiệm mà không ai hiểu nổi. Tôi đã từng chứng kiến nhiều người ra đi trong giờ phút cuối cùng, ai cũng mong các vị lãnh đạo tinh thần đến cầu nguyện cho họ. Tôi hỏi bệnh nhân sắp ra đi, nhưng họ còn tỉnh táo, rằng họ có muốn cha, thầy đến cầu nguyện cho họ không thì người nào cũng gật đầu, trừ những người nào trong tình trạng mê man thì không kể. Có người không nhắm mắt vì đợi người con mà họ thương yêu nhất đến. Vì thế người có thân nhân qua đời, đến ngay phi trường chờ đợi để được lên phi cơ đến nơi có người thân cho gặp mặt lần chót. Người chết chỉ chết một lần, xin những người xung quanh nên để thì giờ cho người sắp qua đời hoặc đã qua đời. Chúng ta nên cầu nguyện cho những ngươi đang hấp hối. Ngày hôm qua, Thầy Thiện Đạt, sư đệ của thầy Minh Mẫn, đến cầu an cho người bệnh ở bệnh viện Kindred, rồi thầy Viên Huy và một phật tử nữa ở chùa Điều Ngự đến cầu an. Thầy Quảng Thanh cũng đến cầu nguyện cho bệnh nhân cùng ngày. Phép mầu nhiệm đã đến, không phải người bệnh ra đi nhẹ nhàng êm ả, nhưng người bệnh ngủ ngon, và trở lại tình trạng bình thường. Bác sĩ rất ngạc nhiên. Thân nhân của người bệnh tạ ơn và tường trình với các Hoà Thượng, Thượng Toạ, ni sư, sư cô đã cầu nguyện cho người bệnh trong 2 ngay qua. Sự nhiệm mầu của sự cầu nguyện chân thành đã thể hiện như môt thành tích. Giữa sự sống và sự chết, chỉ có cầu nguyện. Tôi tin tuyệt đối vào sự cầu nguyện với tấm lòng chân thật. Khi mình buồn, khi thất bại việc gì đó, chỉ có cầu nguyện mới đưa con người trở lại bình thường. Nghèo, giàu không cần thiết, không ai đói ở xã hội này, người nào cũng đủ ăn đủ mặc. Xin hãy thương nhau, vì không ai biết ngày mai ra sao? Cứ sống vui vẻ ngày hôm nay, ngày mai ra sao không cần biết. Có người mình chỉ gặp ngày hôm nay, ngày mai không biết có gặp nhau hay không. Người đi tu hy sinh suốt cuộc đời phục vụ cho quần chúng. Tôi rất kính nể tu sĩ. Từ bệnh viện trở về, tôi thăm thầy Tri Siêu, thầy đã tốt nghiệp tiến sĩ đại học ở Minisota. Về nước, dạy ở đại học Vạn Hạnh. Sau năm 1975, thầy Trí Siêu, thầy Tuệ Sỹ và nhiều tu sĩ Phật giáo đi ở tù. Hôm nay có đại hội Phật giáo thế giới. Thầy Tri Siêu được các thầy và Phật tử và thầy được đón tiếp một cách cung kính. Thầy thuyết trình ở viện Bồ Đề Phật Pháp. Ngày xưa, khi Hoà Thượng Mẫn Giác còn sinh tiền thường nói với chúng tôi rằng, thầy Trí Siêu và thầy Tuệ Sỹ là 2 viên kim cương trong Phật giáo Việt Nam. Thầy Tuệ Sỹ đọc bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc trước trụ sở Quốc Hội, và bị Việt Cộng kết án tử hình. Nhưng được các quốc gia trên thế giới chống đối, nên bản án tử hình còn từ 20 năm, sau đó còn 15 năm và bị quản chế tại chùa. Thầy Trí Siêu và thầy Tuệ Sỹ nói thông thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau và thầy Tuệ Sỹ làm thơ rất tuyệt vời. Thơ của thầy được phổ thành nhạc. Cầu xin mọi người thương yêu nhau.
Tôi thường vào thăm viện dưỡng lão và nhà thương hằng tuần. Nhiều người nằm ở nhà thương hay viện dưỡng lão 10-20 năm mà chưa giả từ cuộc sống. Tôi mơ ước được một giấc ngủ không bao giờ thức dậy, thế là xong không làm phiền bất cứ người nào. Nhưng trong chúng ta mỗi người có cái số. Số người nào, thì người đó phải chịu thôi. Tôi sống vui từng giờ, gặp ai tôi cũng vui. Tại sao không vui với tất cả mọi người, biết đâu mai này mình không còn gặp những người mà hôm nay mình gặp gỡ.
Người bệnh ra đi êm ả lúc 9:05 phút tối ngày 11 tháng 6 năm 2018. Bác sĩ Nguyễn Hùng nói:
- "Gia đình không muốn soi, cũng không muốn giải phẫu để bệnh nhân ra đi. Bác sĩ Nguyễn Hùng nhắc lại:
- Những ngày sau cùng không chữa gì hết, chỉ cho thuốc giảm đau, vì gia đình muốn như thế.
Giọng nói của bác sĩ chùng xuống như một sự hối tiếc. Thế cũng xong một đời người. Khi còn sống mỗi người trong chúng ta nên viết lại những gì mình muốn, sau khi qua đời, thân nhân nhiều khi không hiểu ý của người trong gia đình. Phải lắng nghe trong lúc người thân còn sinh tiền dặn dò những gì. Thân nhân không muốn thông báo tin người ra đi. Ni sư Như Ngọc, trụ trì chùa A Di A hộ niệm cho người qua đời. Sư cô dặn:
- Sửa đầu của người qua đời cho thẳng, cái đầu của bác nằm nghẻo tội nghiệp quá.
Thân nhân muốn nói gì ra khỏi phòng bệnh. Phật Tử cần sự yên tĩnh trên đường về với Phật. Thân nhân chỉ niệm Phật, bên cạnh người qua đời có máy phát thanh: Nam Mô A Di Đa Phật, Nam Mô A Di Đa Phật, của Hoà Thượng Quảng Thanh tặng cách đây 2 ngày. Ở trong nước cũng như ở hải ngoại, tôi chưa bao giờ thấy vị lãnh đạo tôn giáo nào từ chối lời thỉnh cầu của gia đình đến hộ niệm lần cuối cho người hấp hối và người qua đời. Sớm muộn gì rồi mỗi người trong chúng ta cũng sẽ ra đi. Nếu người nào có niềm tin tôn giáo sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng, thảnh thơi. Buổi sáng, Bửu Hằng, một nhân viên của tôi gọi đến và nói:
- Cô ơi, mẹ vợ con đã đi rồi, đi hôm qua.
Đứa cháu ngoại, sáu tuổi ở đầu giây bên kia nói:
- I don't see her any more, I love her.., Con không còn nhìn thấy bà nữa.
Nghe đưa bé nức nở, tôi buồn lắm, tôi nói:
- Pray for her. Cầu nguyện cho bà..
Mọi người, mọi lúc ai cũng có thể chết; ra đường bị đụng xe cũng chết, cháy nhà, rớt máy bay,...cũng chết. Thần chết chập chờn khắp nơi,... ở nhà thương, viện dưỡng lão cũng chết, ở nhà cũng chết. Cho nên mọi người chuẩn bị chuyến đi của mình bất cứ lúc nào, ra đi không bao giờ trở lại. Tôi rất buồn trong lúc nhìn thấy thần chết ở gần người bệnh. Thần chết ở trong bệnh viện, ở trong viện dưỡng lão, giàu, nghèo, sang hèn gì rồi cũng chết. Cho nên, còn sống làm sao sống hữu ích cho người khác, người xung quanh mình, gia đình mình, cho những người nghèo khổ, và cầu nguyện cho mỗi người có đời sống vui vẻ và hạnh phúc.
Chúng tôi thường đi chùa vào tối chiều, sau khi đóng cửa văn phòng. Chùa Thiên Quang Tự, trụ trì là sư cô Thích Nữ Chân Đạo, ở đường Harzard thành phố Westminster, sư cô thường xuyên làm việc xã hội, và ai đến chùa cũng được đón tiếp ân cần niềm nở, và mời ăn chay. Chúng tôi thỉnh sư cô tụng niệm cho người quá vãn. Sư cô nhận lời ngay, và để hình người quá cố trên bàn thờ vọng. Vào buổi chiều đẹp trời, Bửu Hằng, nhân viên của tôi nói:
- Cô ơi, thầy Thích Chúc Thông ở đường Orangewood thành phố Garden Grove đến tụng kinh cho mẹ vợ của con, và thầy ở lại cho đến cuối cùng, sau khi tiễn đưa bà cụ ra nghĩa trang. Chúng tôi cũng thỉnh cầu thầy tiếp tục cầu nguyện cho người quá cố. Đất sau chùa Long Thành còn rộng, nếu xây cất thêm cũng có cơ hội. Bửu nhìn thấy nước rỉ trong nhà, Bửu là kỹ sư điện, nhưng có bằng kiến trúc và bằng địa ốc, nhìn qua là biết nguyên nhân tại sao, Bủư hứa sẽ đến sửa lại cho thầy. Bửu nói:
- Thưa thầy, thầy cần gì, xin gọi cho con, đừng nhờ người khác, tốn tiền thầy ơi!
Tình thầy trò có vẻ gắn bó nếu gần nhau. Xin những Phật tử giúp gì được cho chùa thì giúp ngay, đưng đợi ngày mai. Buổi chiều buồn, tôi đến thăm ni sư Tịnh Như, tịnh thất Pháp Tạng ở thành phố Garden Grove. Tôi đã đến nhiều lần, nhưng chưa lần nào được gặp vị trụ trì, nhưng gặp nhiều Phật tử đến từ Úc Châu, Seattle, Oregon,... Những Phật tử rất vui vẻ niềm nở. Tôi gọi cửa và nói với người bên trong cánh cửa:
- Cho tôi gặp sư bà một phút thôi.
Cô gái nói:
- Sư bà đi nghỉ rồi.
Ở Orange County chùa nhỏ thường đóng cửa sớm. Tôi đoán có lẽ vì an ninh. Nhưng chùa lớn thì mở cửa cho đến tối, như chùa Bảo Quang, chùa Điều Ngự, chùa Huệ Quang, Tổ đình Minh Đăng Quang thì mở cửa muộn hơn, vì Phật tử ra vào tấp nập. Một phút sau, sư bà từ từ tiến ra mở cửa. Sư bà ân cần niềm nở mời tôi vào chánh điện. Tôi xin lạy Phật trước khi uống ly trà nóng thơm ngát. Tôi nhờ sư bà cầu nguyện cho người vừa qua đời, quan trọng nhất là cầu nguyện để người đi về cõi Phật. Sư bà vui vẻ nhận lời.Khô ng có một vị tu sĩ nào từ chối khi có Phật tử thỉnh cầu tụng kinh, cầu siêu cho người vừa qua đời. Tôi đã từng chứng kiến người sắp lìa đời ở bệnh viện. Mẹ tôi chân lạnh đến đầu gối, rồi khỏi đầu gối. Một tay tôi nắm tay mẹ tôi, nắm chặt vì tôi sợ mẹ tôi đi. Một tay tôi gọi điện thoại, gọi cô em vào bệnh viện. Nhưng rồi mẹ tôi cũng đi.
Bác sĩ Cẩm Vân (phu nhân của bác sĩ Huỳnh Hữu Cưử) và một số người đứng bên giường bệnh. Bác sĩ Huỳnh Hưữ Cưử với nhịp đập của tim rất thấp. Đi xuống từ từ đến máy ngừng đập. Tim ngừng đập rồi ra đi. Khuôn mặt người bệnh thản nhiên như đang nằm ngủ. Tim ngừng đập, tắt thở, thề là xong một kiếp người. Tôi còn nhớ lúc đó chị Cẩm Vân rất bình tĩnh, nhưng sau đo chắc chắn chị khóc và khóc nhiều lắm. Anh chị tin tưởng đạo Phật và làm việc từ thiện rất nhiều. Về tận Hậu Nghĩa thăm người thân, và thăm người nghèo. Hiện nay hàng ngày, hàng giờ trong các bệnh viện, viện dưỡng lão nhiều bệnh nhân qua đời, người đi vẫn đi, người sống vẫn sống như thường ngày. Tôi rất phục những người sắp ra đi, trối lại với người nhà rằng không nhận hoa, không nhận phúng điếu, vì người chết đâu có sống lại để trả nợ, ra đi nhẹ nhàng là không thiếu nợ. Nợ kiếp này thì kiếp sau trả thì phiền lắm. Gia đình bệnh nhân không muốn thông báo trên báo, tivi hay radio vì không muốn làm phiền người tiễn đưa. Sống giản dị, chết giản dị, sống vui vẻ chết cũng vui vẻ. Trong buổi lễ phát tang các vị Hoà Thượng, Thượng Toạ, sư cô, phật tử tụng kinh, rồi hoả táng, tro đem về VN như lời dặn dò khi còn sinh tiền của Phật tử. Thế là xong. Mong mỗi người ra đi nhẹ nhàng, không làm điều ác, làm việc phúc đức để lại cho đời sau. Thế là xong một đời người. Cầu xin Trời Phật phù hộ cho người ra đi về Cõi Niết Bàn. Xin chúc lành tất cả những người tôi đã gặp, sống trong bình yên và hạnh phúc.
Tiễn đưa lần cuối Phật tử Nguyễn Phúc Vĩnh Tung, pháp danh Nguyễn Trí ở Peek Family. Hoà Thượng Minh Mẫn, viện chủ chùa Huệ Quang, Đại Đức Thiện Đạt, Đại Đức Minh Đỗ, và sư cô Nguyên Như, đến tụng niệm. Hoà Thượng Viên Lý, Hoà thượng Viên Huy, Thượng Toạ Từ Bi, Thượng Toạ Viên Chơn. Đại Đức Nhật Thành, Đại Đức Minh Huy, và ban hộ niệm của chùa Điều Ngự. Hoà Thượng Thích Quảng Thanh viện chủ chùa Bảo Quang, Hoà Thượng Thích Kim Đại, thượng Toạ Thích Minh An ở chùa Bảo Quang, sư cô Như Ngọc, trụ trì chùa A Di Đà, Hoà Thượng Pháp Tánh, viện chủ tu viện Hoa Nghiêm cũng cầu nguyện cho người quá cố. Sư cô Quảng Bát, Nhân Quả Đạo Tràng, tiếng tụng kinh trầm ấm đi vào lòng người. Hoà Thượng Minh Mẫn nhắc đến Phật Tử đã đi, nhưng khi còn sinh tiền đã chia xẻ những kiến thức của mình về phong thuỷ, đem lợi ích cho cộng đồng (tôi nghĩ ý của Hoà Thượng có lẽ nhắc đến những quyển sách Phong Thuỷ của tác giả để phổ biến khắp trên nước Mỹ). Lễ phát tang vào 12 giờ trưa cho đến đưa xác vào nhà xác vẫn còn tụng niệm. Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức, ni sư, sư cô, ban hộ niệm, ca sĩ và thân nhân. Thi sĩ Võ Ý Phương, chủ nhà hàng Phương, gia đình anh Vĩnh Dương, anh ruột của người qua đời, gồm có vợ, con gái, rể, cháu ngoại, chị Phương đến từ Seatle. Cô Ánh đến từ Việt Nam, vợ chồng Hùng Nguyễn, Thuý Nguyễn, Cao Dương real estate broker, và Giang Tiền. Hoà thượng Minh Mẫn, Hoà Thượng Quảng Thanh, thuyết pháp tuyệt vời. Vì khi còn sinh tiền Phật tử Vĩnh Tung thường đến các chùa Huệ Quang, Bảo Quang, A Di Đà, Tổ đình Minh Đăng Quang chùa Việt Nam của cố Hoà Thượng Mẫn Giác, Phật học viện Quốc Tế. Người vừa qua đời có cha mẹ để thờ ở chùa Huệ Quang nên năm nào cũng về chùa trong những ngày lễ, và em họ qua đời được sư cô Như Ngọc tụng niệm ở chùa A Di Đà. Ơn Nghĩa này không bao giờ quên được. Người sắp sửa lìa đời bao giờ cũng tìm nơi nương tựa. Ông Vĩnh Đương nhắc lại lời trăn trối của người em là mong được hoả táng và đem tro về xứ Huế để được gần tổ tiên, ông bà cha mẹ. Những tác phẩm của tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Tung là Phong thủy và cuộc sống hôm nay, Phong thuỷ bí quyết để thành công, Cẩm nang phong thủy áp dụng cho nhà ở và cơ sở thương mại, Cuộc đời và số mệnh. Những tác phẩm bán làm việc tử thiện, tác giả không lấy một đồng. Những quyển sách này được đồng hương yêu chuộng, nhưng ở VN in ra không xin ý kiến của tác giả.
Tiếng tụng kinh từ nhà quàn vọng sang nhà xác không bao giờ ngưng nghỉ. Hương linh của người qua đời được thờ ở chùa Huệ Quang. Quan tài của người quá cố được đẩy vào lò hoả táng. Bên ngoài khung cửa kính tiếng tụng kinh vẫn vang vang, Đại Đức Thiên Đạt vẫn liên tục tụng kinh. Các vị tu sĩ cực khổ hơn người thường, không bao giờ từ chối lời khẩn cầu của tín đồ khi trong gia đình họ có người đau bệnh hay qua đời. Xin chúc lành tất cả những người tôi đã gặp, sống trong bình yên và hạnh phúc. Xin Trời Phật phù hộ cho người có lòng quảng đại, tụng kinh hộ niệm cho người vừa qua đời.
Xin Tạ Ơn các Hoà Thượng, Thượng Toạ, ni sư, sư cô, ban hộ niệm và những người có lòng, bỏ việc làm đi tụng niệm cho người qua đời.

KIỀU MỸ DUYÊN