Người ta vẫn nói “cái nghề là cái nghiệp”. Đã theo đuổi
một nghề mình yêu thích là tự để cho cái nghiệp vận vào đời lúc nào không biết.
Và chiến trận đối với người phóng viên chiến trường cũng tựa như ánh đèn sân
khấu đối với người nghệ sĩ.
Viên đạn đã lên nòng
Giữa tháng giêng năm 1972, trong
khi người dân miền Nam đang chuẩn bị đón xuân Nhâm Tí, thì những giới chức thẩm
quyền từ Vùng I xa xôi cho đến Dinh Độc Lập đang ngày đêm theo dõi những biến
chuyển hoạt động quân sự của Cộng quân. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy địch
đang gia tăng tiềm lực quân sự vào miền Nam với mức độ đáng kể.
Các nguồn tin tình báo ghi nhận,
cho đến hôm nay, đã có 3 sư đoàn Cộng quân tiến sát vùng phi quân sự, 15000
quân đã xâm nhập vào Cao Nguyên Trung Phần và 2 trung đoàn bộ bịnh đã xâm nhập
Vùng III, gồm 11 tỉnh chung quanh Sài Gòn.
Những quan sát viên ở trong và
ngoài miền Nam Việt Nam đa số cùng chung sự tiên đoán: một cuộc tấn công của
Cộng Sản Bắc Việt tại khu phi quân sự hoặc Cao Nguyên có thể xảy ra vào dịp tết
Nhâm Tí này, tức là khoảng giữa tháng 2 năm 1972, vào dịp Tổng Thống Hoa Kỳ
Richard Nixon đến hội đàm tại Bắc Kinh.
Điều hầu như ai cũng thấy rõ là
quân số mà Cộng Quân đang tập trung tại Cao Nguyên nhiều nhất kể từ trước đến
nay, thêm vào đó, tình trạng suy sụp tại Lào và Campuchia thì đang phải tự lo
lấy thân mình vì các lực lượng của miền Nam Việt Nam đã rút về để bố phòng tại
các tỉnh ven đô, khiến cho người ta nghĩ rằng tình hình Đông Dương sắp tới hồi
biến chuyển.
Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) nhận
định như sau: “Hoạt động quân sự của Cộng Sản ở Lào và Campuchia vẫn tăng mạnh,
điều đó chứng tỏ một cách rõ rệt sự leo thang chiến tranh có lẽ cũng sắp xảy ra
ở miến Nam Việt Nam. Tại Lào, các lực lượng Bắc Việt đã chiếm được vùng Cao
Nguyên Bolovens và hiện đang đe dọa
Long Cheng, một căn cứ quan trọng của quân đội Hoàng Gia Lào. Các lực lượng Bắc
Việt đã kiểm soát được vùng Đông Chum từ hồi trung tuần tháng 12 vừa qua, và
tình hình nghiêm trọng đến độ Hoàng Thân Thủ Tướng Souvana Phouma phải kêu gọi
Liên Hiệp Quốc lưu ý về điều này.
Tại Campuchia, các đơn vị Việt
Nam Cộng Hòa đã rút về để chuẩn bị chống lại một cuộc tấn công quy mô mà Cộng
Sản có thể phát động. Ngay tại Miền Nam Việt Nam, những cuộc tấn công của Cộng
Quân hiện nay tuy nhỏ và lẻ tẻ, nhưng đạt tới mức độ cao nhất trong 3 tháng vừa
qua.
Tất cả những điều nói trên, đã
khiến cho dư luận suy đoán rằng, Hà Nội có lẽ đang đặt kế hoạch cho một cuộc
tổng công kích như hồi tết Mậu Thân năm 1968. Theo sự suy đoán, cuộc tấn công
này sẽ xảy ra vào tháng sau, gần đúng vào dịp Tết, nghĩa là vào khoảng trung
tuần tháng hai Dương Lịch”.
Báo chí Mỹ có tờ thì tiên đoán
mục tiêu đích xác của cuộc tấn công kỳ này là Kontum, có tờ tiên đoán là Sài
Gòn, với nhiều lý do khác nhau được dẫn giải: người thì cho rằng Cộng Sản muốn
người ta có cái cảm tưởng là lực lượng Mỹ đang triệt thoái đã gặp phải một sự
trở ngại, người thì cho rằng Cộng Sản muốn chứng tỏ sự thất bại của chương
trình Việt hóa… và cái giả thuyết được nhiều người nói tới nhất là Cộng Sản
muốn gây bối rối cho cả Tổng Thống Nixon lẫn các lãnh tụ của Trung Cộng trong
những cuộc hội đàm giữa hai bên tại Bắc Kinh dự trù sẽ diễn ra một tuần lễ sau
Tết.
Theo các tin tức tình báo
thu nhập được, Bộ Tư Lệnh Quân Khu II
cho rằng Cộng Quân sẽ mở một cuộc tấn công mà
mục tiêu cuối cùng là thành phố Kontum. Cuộc tấn công này sẽ kéo dài
trong một tháng, từ khoảng cuối tháng giêng đến cuối tháng hai và gồm ba giai
đoạn: tấn công vùng Pleiku để kiểm soát các sắc dân Thượng; tấn công vùng Bình
Định để chiếm Quốc Lộ 19, từ Pleiku xuống Qui Nhơn và như vậy sẽ cắt Miền Nam
ra làm đôi; và giai đoạn thứ ba là cô lập Kontum rồi đánh chiếm thành phố này.
Tuy nhiên, Bộ Tổng Tham Mưu của
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn nghĩ rằng Cộng Quân vào phút chót có thể chuyển
hướng mà mục tiêu là thị xã Đông Hà, thuộc tỉnh Quảng Trị. Lợi thế của Cộng
Quân khi mở mặt trận tại đây là thị xã Đông Hà nằm trong tầm đại pháo, hỏa tiễn
trí sẵn bên kia bờ Bến Hải, phần tiếp vận cũng không quá khó khăn và thêm vào
đó Sư Đoàn 3 Bộ Binh đang trấn ải địa đầu là một đơn vị mới thành lập, chưa đủ
khả năng để chịu được một cuộc tấn công lớn. Theo các quan sát viên chính trị,
nếu chiếm và giữ được Đông Hà, Cộng Quân có thể dùng làm thủ đô cho một chính
phủ gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời để đòi ngưng bắn và thương thuyết.
Cũng bởi có hai giả thuyết như
vậy, cho nên Bộ Tổng Tham Mưu đang còn phân vân chưa biết phải tăng phái một lữ
đoàn Dù lên Cao Nguyên hay ra miền Hỏa Tuyến. Vì vậy, lữ đoàn này sau khi từ
Tây Ninh rút về vẫn còn ở Sài Gòn chờ lệnh.
Tại vùng I, Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ
Binh, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú nhận định rằng: theo quan niệm chiến thuật của
Cộng Quân, hai Quân Khu I và Quân Khu II sẽ một là “diện” và một là “điểm”, mà
theo Tướng Phú thì cho đến giờ phút này, chưa thể xác quyết quân khu nào là
“điểm”, mặc dù tình hình quân sự tại Quân Khu II đang sôi động hơn. Mọi người
chờ đợi.
Trên khắp miền Nam, cho đến hôm
nay, cuộc sống ở những thành phố vẫn còn bình lặng. Một chút không khí rộn ràng
của những ngày Tết đã thoáng hiện đâu đây. Người ta bình thản không phải vì
người sống vô tình. Nhưng qua bao thế hệ, từ ngày mở mắt chào đời, tai đã nghe
tiếng súng, lớn lên và nay đã nửa cuộc đời, bom đạn vẫn còn trút xuống trên
đầu. Họ bình thản vì họ đã sống quen với cảnh chinh chiến triền miên.
Và mọi người chờ đợi những gì sẽ
đến. Những gì sẽ đến không phải đã đến trong những ngày Tết với tiếng súng kinh
hoàng thay tiếng pháo như hồi Mậu Thân, cũng không phải đến giữa những ngày
xuân hoa nở muôn màu, mà đã đến với những cơn gió đầu hè của miền Trung, những
cơn gió mang cái nóng của vùng Hạ Lào thổi qua rặng Trường Sơn, hứa hẹn một mùa
hè rực lửa.
Kiều Mỹ Duyên