Trên Vùng Trời Trị Thiên
Kiều Mỹ Duyên
Những năm trước Tết Mậu Thân,
khi dấu binh lửa chưa tràn vào đất Thần Kinh, thì phi trường Phú Bài nằm về
phía Nam của thành phố Huế độ 10 cây số là một phi trường dân sự nhỏ và có một
khung cảnh trầm buồn như phi trường Liên Khương của Đà Lạt vậy. Rồi theo nhịp
độ của cuộc chiến, khi mà hai tỉnh Trị Thiên trở thành Miền Hỏa Tuyến, làng Phú
Bài trở thành một căn cứ quân sự lớn của Mỹ và phi trường Phú Bài được tu bổ
thêm để có khả năng cung ứng như một phi trường quân sự. Một số dân làng chung
quanh, xưa nay vẫn sống bằng nghề chầm nón, chiếc nón bài thơ của người gái
Huế, nay bỏ khung, bỏ chỉ, chạy theo mua bán đồ Mỹ từ PX, đổi đô la xanh, đô la
đỏ, đổi luôn cả cuộc sống bình lặng của một làng quê thưở thanh bình của những
người dân hiền hòa.
Biệt Đoàn Tiền Phương đóng ở Phú
Bài. Cái tên của đơn vị Không Quân này nghe thật xa lạ với người dân Sài Gòn,
nhưng lại rất quen thuộc với những đơn vị của Sư Đoàn I Bộ Binh, Sư Đoàn Dù,
Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân… Trên chiến trường Trị Thiên, Biệt Đoàn
Tiền Phương là đơn vị yểm trợ phương tiện chuyển vận cho tất cả các đơn vị đang
hành quân tại đây. Biệt Đoàn gồm có L19 và trực thăng. Tôi đã có dịp đi theo
L19 đến tận vùng giao tranh để hiểu rõ nhiệm vụ, thấy rõ những hiểm nguy của
họ. Cũng như phía trực thăng, có trực thăng võ trang, trực thăng tải thương,
trực thăng đổ quân v.v… và thường họ là những anh hùng bị lãng quên.
-
Biệt Đoàn Tiền Phương do Thiếu Tá Diệm chỉ huy. Trực thuộc Biệt
Đoàn có Không Đoàn 51 Chiến Thuật của Sư Đoàn I Không Quân, do Trung Tá Đặng
Văn Phước làm Không Đoàn Trưởng. Nhớ một lần đã lâu lắm rồi, tôi có hẹn đến
thăm Không Đoàn 51. Đúng giờ hẹn, tôi đến phòng hành quân đợi một hồi lâu mới
thấy Trung Tá Phước đáp trực thăng xuống, tay xách nón bay đi vào. Trung Tá
Phước dáng người cao lớn, tính vui vẻ, bộc trực. Vừa gặp tôi, ông nói:
-
Tôi vừa bay tải thương về.
Hôm nay đánh nhau cả ngày. Mấy em út của tôi vừa mới ra phố ăn cơm thì lại gọi
tải thương nữa, tôi phải đi thay. Phải chi cô đến sớm, tôi cho cô theo cho
biết.
Tôi hiểu ông muốn nói gì. Người
ta thường ca tụng những chàng phi công của khu trục A37 hoặc phản lực F5, oai
hùng từ trên cao phóng xuống, trút những loạt bom nổ long trời lở đất trên đầu
địch, chứ mấy ai nhắc nhở đến những phi công có nhiệm vụ tải thương, mặc dù họ
vẫn hằng ngày bay trên những lằn đạn của quân ta và quân địch, cố gắng tìm một
“lỗ hổng” giữa màn lưới lửa đó để lao xuống, giực lại mạng sống của những
thương binh trong tay tử thần.
Tôi nhớ một lần, Tiểu Đoàn I
Thủy Quân Lục Chiến được Chinook bốc từ căn cứ và đổ xuống Triệu Phong, một
quận nằm về phía Đông Bắc của thành phố Quảng Trị. Theo tin tức tình báo, dân
còn kẹt ở đây rất nhiều, và ngay ở quận Triệu Phong này, Cộng quân có lập một
bệnh viện dã chiến lớn để chữa trị cho các thương bệnh binh của chúng trong
cuộc tiến chiếm Quảng Trị.
Giờ xuất quân, đích thân tướng
Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến, đến tận nơi tiễn đưa những chiến sĩ
Cọp Biển lên đường. Hơn 10 chiếc trực thăng đổ quân hôm đó bay vào vùng đất
Quảng Trị. Phòng không của địch tại nơi đổ quân bắn rớt ngay 2 chiếc. Một trong
hai chiếc bị bắn rơi đó, có bác sĩ Hoàng, mới ra trường không lâu, tình nguyện
vào Thủy Quân Lục Chiến. Hai ngày sau, bác sĩ Hoàng được tải thương về quân y
viện, cả người và mặt đều bị cháy. Một cánh tay không cử động được nữa. Lúc
tỉnh dậy, bác sĩ Hoàng kể lại, khi trực thăng bốc cháy, mọi người theo cửa nhảy
ra, ông thấy phi hành đoàn vẫn còn ngồi yên trên ghế lái. Và trong một cuộc
hành quân như vậy, nếu một chiến thắng vẻ vang nào đó đạt được, thì hình như
những người chiến sĩ của Không Đoàn 51 này, có dự phần xương máu, mà ít được
chia phần vinh quang.
Lần này trở lại Vùng I, những
ngày tạm rời chiến trường Trị Thiên để vào thăm Tổng Y Viện Duy Tân và các trại
tị nạn Cộng Sản ở Đà Nẵng, tình cờ gặp lại Trung Tá Phước. Ông nói:
-
Tôi vừa ở Huế về. Có một
chiếc trực thăng của Không Đoàn tôi đi đổ quân, bị bắn rớt, phi hành đoàn lội
trong rừng mấy ngày đêm và mới về được bình yên.
Tôi ngỏ ý muốn gặp những người
mới về. Trung Tá Phước gật đầu:
-
Tôi sẽ cho người đưa cô đi
gặp một xạ thủ và một cơ khí viên của phi hành đoàn, hai sĩ quan thì đang nằm
trong bệnh viện Mỹ, chúng ta sẽ đến thăm.
Buổi chiều tôi được anh em trong
Không Đoàn 51 mời ăn cơm ở câu lạc bộ Trần Văn Thọ. Tại đây tôi sẽ được gặp hai
người còn sống sót sau khi máy bay bị bắn rơi. Câu lạc bộ Trần Văn Thọ trang
hoàng khá đẹp. Trung Úy Bút đưa tôi vào ngồi một bàn gần cửa sổ. Vừa ngồi một
lát, Trung Sĩ Võ Ngọc Trác, người cơ khí viên của máy bay bị bắn rớt đến. Trung
Sĩ Trác khoảng chừng 20 tuổi, mặc bộ áo bay màu đen đã bạc trông có vẻ phong
trần. Trên mặt và tay của Trác đấy vết trầy trụa do lúc máy by bị bắn rơi và
trong những ngày vượt rừng trở về. Khu rừng mà phi hành đoàn phải vượt qua là
khu rừng sâu về phía Tây của căn cứ Bastogne.
Trung Úy Bút nói:
-
Chúng ta đợi thêm hai người
nữa. Trung Sĩ Thanh, xạ thủ đại lien và Trung Tá Phước. Không biết Trung Tá
Phước có đến được không, vì chiều nay ông có buổi họp.
Trong lúc chờ đợi, tôi ngồi lắng
nghe Trung Sĩ Trác kể lại chuyện những ngày qua:
-
Buổi sáng, tàu đổ quân từ
căn cứ Sally đến. Khoảng 9 giờ 5 phút thì chúng tôi đến ngọn núi BG. Chiếc tàu
của tôi dẫn đầu. Lệnh của Trung Úy Hiếu trên tàu chỉ huy bay trên cao: “An toàn
thì đáp”. Nhìn xuống bãi đáp thấy im lìm, không có triệu chứng gì có địch. Đó
lá căn cứ Rạng Đông, căn cứ này trước của Mỹ, nay bỏ hoang. Tàu vừa đáp xuống
thì nghe nổ cái ầm, cách tàu chừng 3 mét. Phi công cố gắng cho tàu bay lên lại,
nhưng bị mất tua, tàu nghiêng về tay trái. Hai chiếc trực thăng võ trang liền
nhào xuống bắn phá chung quanh để yểm trợ. Tàu của tôi bay thêm chừng được 5
mét thì đâm đầu xuống rừng. Hai chiếc võ trang bắn chung quanh chúng tôi để bảo
vệ và định xuống cứu, nhưng địch bắn lên rát quá không xuống được. Bắn che cho
chúng tôi chừng 15 phút thì hai chiếc võ trang bay về căn cứ để kêu tàu khác
đến cứu.
Khi tàu nghiêng rồi đâm xuống
đất, một số lính chở trên tàu bị trúng đạn mà chết. Những người còn sống nhảy
ra khỏi tàu tìm nơi ẩn nấp. Địch ở trong những lô cốt cũ bắn B40 về phía chúng
tôi. Khi tàu rơi xuống, tôi bi ngất đi một lát, tỉnh dậy thấy tàu vẫn còn nổ
máy. Thiếu Úy Nguyễn Thanh Hồng còn bị ngất trên ghế lái. Thiếu Úy Bành Khắc
Đông bị gãy xương sống.
Lúc đó Trung Sĩ Thanh bước vào,
một con mắt bị băng lại, một cánh tay bó bột. Trác nói tiếp:
-
Anh Thanh đi lính lâu, có
kinh nghiệm hơn em. Anh lo đi làm dấu hiệu cho máy bay thấy mà đến cứu. Nhưng
giữa rừng, máy bay không thấy được. Tất cả chúng tôi đều tuyệt vọng.
Trung Úy Bút ngắt lời, vào thăm
không thì bệnh viện Hoa Kỳ khó lắm đó, thăm phải đúng giờ.
Chúng tôi đứng chung quanh
giường bệnh của Thiếu Úy Hồng. Một tay của anh đang vào nước biển. Hai chân
sưng to và bầm đen từ đầu gối xuống. Anh nghe có tiếng người, cựa mình rên khe
khẽ và mở mắt nhìn chúng tôi. Thiếu Úy
Hồng ra trường khóa 27 Thủ Đức và tình nguyện vào Không Quân. Nét mặt anh vẫn
còn thần sắc, mặc dù vừa trải qua 3 ngày 4 đêm đói khát và vừa phải trốn tránh
địch quân, vừa tìm đường thoát hiểm trong rừng sâu trở về. Anh vui vẻ kể chuyện
cho chúng tôi nghe:
-
Khi tôi tỉnh dậy thì tàu
vẫn còn nổ máy. Tôi lôi thằng Đông ra khỏi tàu. Đạn bay vèo vèo trên đầu. Đông
bị gãy xương sống và kiệt lực, hai tay không còn đủ sức để ôm lấy cổ tôi nữa.
Đi được một đoạn, tôi cũng mệt quá, đặt Đông xuống và cho nó uống nước. Nó bảo
tôi: “Mày phải bỏ tao lại, không thì hai đứa cùng chết. Mày nên thoát nơi này
rồi đem tàu đến cứu tao”. Tôi nhìn nó, tôi không nỡ bỏ nó. Việt Cộng bắn vào
chỗ chúng tôi không ngừng. Đông cứ nói hoài, bắt tôi phải thoát trước, không
thì hai đứa cùng chết. Tôi trở lại tàu gỡ cái đồng hồ đặt trên ngực của Đông,
hy vọng tàu tìm đến, thấy ánh dạ quang của đồng hồ mà cứu nó. Rồi tôi ứa nước
mắt, quay lưng đi vào rừng.
Thiếu Úy Hồng im lặng một lát vì
xúc động. Tôi hỏi:
-
Sau đó bao lâu thì Thiếu Úy
Đông được cứu?
Đại Úy Banh cùng đi trong nhóm
đáp thay Thiếu Úy Hồng:
-
Chừng một giờ sau, máy bay
Mỹ đến, nhìn thấy ánh dạ quang của đồng hồ nên cứu được. Việt Cộng vẫn ở trong
các lô cốt bắn lên máy bay như mưa nên máy bay không đáp xuống được. Trên tàu
thong xuống một sợi dây, nhưng Thiếu Úy Đông không còn đủ sức để nắm vào. Một
người lính Mỹ phải leo xuống bồng Thiếu Úy Đông đưa lên tàu. Đông đã bị ngấy
đi. Lên đến khung cửa của tàu thì sợi dây bị bắn trúng, suýt chút nữa là hai
người rơi xuống. May mấy người trên tàu kéo lên kịp.
Thấy Thiếu Úy Hồng có vẻ mệt,
Trung Sĩ Trác thay lời:
-
Chúng tôi vội vã rời xa vị
trí của địch quân, len lỏi trong rừng để tránh bị vây bắt. Đi đến chiều thì anh
em chúng tôi bắt đầu thấy đói khát. Chúng tôi ráng nhịn, không dám ăn những
trái cây lạ vì sợ trúng độc. Đêm đến, nằm bên khe suối mà ngủ vì đã quá mệt
mỏi. Nửa đêm thức giấc, cả người lạnh cóng. Tôi van vái vong linh ông nội tôi,
hồi còn sống, ông thương tôi lắm. Không phải tôi nhát, từ ngày đi theo Thiếu Úy
Hồng, tôi đã quen rồi, vì Thiếu Úy Hồng lì lắm. Có lần anh đáp ngay giữa vùng
đất của địch để cứu một phi công L19 bị bắn rớt, và nhiều lần khác tưởng đi
luôn rồi.
Cuối cùng, chúng tôi gặp được
may mắn. Khi bò lên núi, chúng tôi gặp được đơn vị bạn. Toán đi trước định bắn
nhưng tôi la lên kịp. Họ cho bố trí rồi tước lấy súng của chúng tôi, gặn hỏi đủ
thứ vì sợ Việt Cộng giả dạng, sau đó báo lên cấp chỉ huy. Thì ra chúng tôi gặp
được đơn vị Trinh Sát của Trung Đoàn I Bộ Binh. Đơn vị của chúng tôi được báo,
liền cho trực thăng đến bốc liền. Ghé qua căn cứ Sally, gặp nhóm anh em trực
thăng ai nấy đều mừng cho chúng tôi. Về Phú Bài, gặp Thiếu Tá Chỉnh, Đại Úy
Thanh, Trung Tá Phước, ai cũng tỏ vẻ thương mến, nên chúng tôi rất được an ủi.
Những chàng Không Quân lái trực
thăng đổ quân hay tải thương đúng là những chiến sĩ âm thầm. Họ cũng dự trận,
cũng lăn vào đầu tên mũi đạn, cũng đổ máu trên chiến trường, cũng tan xác giữa
không trung, nhưng ít ai nhắc đến họ, lại còn bị nhiều thiệt thòi nữa. Một vài
người trong Biệt Đoàn Tiền Phương than với tôi:
-
Làm phi công chết cũng
nhanh lắm chị Duyên à. Nếu chết mất xác vậy mà hay, vì nếu bị thương, không đi
bay nữa, sẽ bị trừ tiền bằng bay. Có chán không?
Một Thiếu Úy trẻ lắc đầu cười tỏ
vẻ chua chat:
-
Chúng tôi cũng ra trận,
cũng chịu nguy hiểm như các binh chủng khác, vậy mà đâu có được lãnh 4500 đồng
tiền tác chiến. Họ cho rằng chúng tôi chỉ yểm trợ hành quân. Yểm trợ mà bay
trên đầu súng của địch!
Trung Úy Kim, một phi công trực
thănng chuyên tải thương nói với tôi:
-
Sauk hi cô đi bay L19 rồi,
cô đi tải thương với chúng tôi cho biết. Đi tải thương ban đêm, tắt đèn, nhào
xuống bốc thương binh rồi vọt lên lẹ. Hoặc ban ngày thì đang bay, tắt máy rồi
hạ cánh…. Cũng có nhiều cảm giác mạnh lắm đó.
Trung Úy Kim có thành tích đáng
kể nhất ở Biệt Đoàn này, có đêm tải thương được 62 người. Chỉ trong 3 tháng
tham dự chiến trường Trị Thiên, Trung Úy Kim được 12 huy chương và được thăng
cấp Đại Úy tại mặt trận.
Người phi công tải thương không
những chỉ đối diện với súng đạn của địch quân, mà còn nhiều sự chịu đựng khác trong
nghề nghiệp. Như chiến trường Trị Thiên hôm nay đang xảy ra giữa mùa hè nắng
cháy. Có những xác không thể bốc ngay được vì đang giao tranh. Mấy ngày sau đã
sình thúi và bắt đầu có giòi. Xác chỉ được bọc trong ponchos, cột hai đầu lại.
Đang bay, nhiều khi ponchos bung ra, mùi hôi bốc lên và giòi bò ra lổm ngổm.
Nhiều lúc gặp gió lớn thổi giòi bay cả vào phòng lái, vào cả mặt của phi hành
đoàn.
Bởi vậy, có một điều í tai biết,
là xe chữa lửa của phi trường Phú Bài hiếm có dịp chữa cháy, nhưng thường xuyên
được Không Đoàn 51 nhờ xịt rửa dùm mấy chiếc trực thăng tải thương.