Qua Cơn Bão Lửa
Kiều Mỹ Duyên
Khi Cộng quân mở cuộc tổng công
kích toàn diện vào miền Nam Việt Nam mùa hè năm 1972, người ta nói rằng, Tướng
Võ Nguyên Giáp đang làm một cuộc phiêu lưu bằng xương máu của 13 sư đoàn quân
Bắc Việt. Sauk hi lửa đạn đã ngút trời từ Bến Hải chạy dọc theo rặng Trường Sơn
vào tận miền Cao Nguyên Trung Phần, một thị trấn nhỏ bé nằm về hướng Bắc của
Sài Gòn và cách Sài Gòn khoảng 95 cây số được những bàn tay máu của Bắc Việt
khoanh tròn trên bản đồ quân sự: An Lộc.
Ký giả Joseph Alson của báo Los
Angeles Times, người đã theo dõi trận An Lộc từ ngày khởi đầu, đã tuyên bố:
-
So với Khe Sanh năm 1968,
An Lộc còn ghê gớm hơn nhiều, ngay như thiếu tường Hollingsworth, Cố Vấn Trưởng
Đoàn III, một vị cố vấn quân sự nổi tiếng gan dạ như thế mà vẫn chưa dám đặt
chân xuống An Lộc. Không như Khe Sanh hồi đó, ngày nào cũng có vài vị khách đến
thăm. Báo Los Angeles Times cũng viết: “Cường độ pháo kích tại Khe Sanh còn quá
nhẹ so với An Lộc. Khi lực lượng phòng thủ ở Khe Sanh năm 1968 là Thủy Quân Lục
Chiến Mỹ thì chúng ta đau khổ gọi nơi đây là “Địa Ngục Khe Sanh”. Nhưng khi
chúng ta biết đang có một cuộc tử thủ tại An Lộc còn ghê gớm hơn cả Khe Sanh,
thì chúng ta lại thờ ơ, lãnh đạm, nói đến với một giọng điệu kẻ cả. Giả sử như
quân đội Mỹ đang tử thủ tại đây, chắc cả nước Mỹ khóc nưc nở chứ không phải thờ
ơ lãnh đạm như đối với những chiến sĩ của Việt Nam Cộng Hòa đang chiến đấu tại
An Lộc bây giờ”.
Đầu tháng 4 năm 1972, một cuộc
hội thảo về Bình Định Phát Triển cho các cấp từ Tư Lệnh Quân Khu, Tỉnh Trưởng,
Quận Trưởng, Ty Sở Trưởng của toàn miền Nam được tổ chức tại Trung Tâm Huân
Luyện Cán Bộ Vũng Tàu. Ngày khai mạc có Tổng Thống, Thủ Tướng và toàn thể nội
các tham dự.
Sau ngày khai mạc, tình hình
chiến sự tại Quảng Trị và Kontum đã trở nên nghiêm trọng. Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu ra lệnh cho các Tư Lệnh Quân Khu I và Quân Khu II, cùg các vị tỉnh trưởng
của hai vùng này trở về ngay tức khắc. Như vậy cuộc hội thảo chỉ cỏn các cấp
chỉ huy hành chánh và quân sự của Vùng III và Vùng IV.
Sáng ngày 5 tháng 4, Đại Tá Trần
Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng Bình Long đang dự hội thảo thì Trung Tướng Cao Hảo Hớn,
Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Bình Định Phát Triển Trung Ương cho người mợi Đại Tá
Nhựt đến, ông nói:
-
Tổng Thống chỉ thị anh trở
về Bình Long gấp. Bình Long đang bị đánh nặng.
Lúc đó là 10 giờ sáng. Vì đã có
hẹn với mấy ty, sở trưởng chờ ở Bãi Sau để ăn cơm trưa. Đại Tá Nhựt ghé qua báo
tin và ăn vội chén cơm trước khi lên xe trở về. Cơm dọn ra, không ai muốn cầm
đũa. Nét mặt người nào cũng nặng vẻ lo âu. Tin từ Trị Thiên, tin từ Cao Nguyên,
chiến cuộc thế nào họ đã biết. Bây giờ trong lúc họ đang ở đây, Bình Long bắt
đầu những ngày lửa đạn.
Bình Long ngày trước là quận Hớn
Quản. Năm 1960 được mở rộng và đổi thành tỉnh Bình Long. Dân số khoảng 80 ngàn
người, sống rải rác trên 102 ấp, 22 xã của 3 quận Lộc Ninh, Chơn Thành và thị
trấn An Lộc. Một phần ba đồng bào ở đây làm trong các đồn điền cao su, họ sống
trong những căn nhà gạch do đồn điền xây cất, Một phần ba sống bằng nghề buôn
bán, làm cây và một phần ba còn lại là đồng bào Thượng và Miên, họ sống trong
các buôn, chung quanh có những hàng rào thiên nhiên do họ tạo lên và được bảo
vệ bởi các trung đội Địa Phương Quân, Nghĩa Quân tuyển mộ tại chỗ, vì vậy họ
quyết tâm sống chết với làng mạc của họ. Dưới con mắt của một tỉnh trưởng, Đại
Tá Nhựt cho rằng đây là nơi lý tưởng để áp dụng chính sách Ấp Chiến Lược của
thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
Từ các căn cứ hậu cần nằm trong
lãnh thổ của Cao Miên, một lực lượng khoảng 30 ngàn quân gồm các đơn vị chủ lực
là Công Trường 5, Công Trường 7, và Công Trường 9, được yểm trợ bởi 100 chiến
xa, 2 trung đoàn pháo binh và một tiểu đoàn đặc công tràn qua biên giới Việt
Miên mà mục tiêu là tỉnh Bình Long. Muốn tiến vào Bình Long, Cộng quân phải san
bằng Lộc Ninh, một tiền đồn sát ngay biên giới, một tấm bình phong che chở cho
Bình Long. Mặc dù với một quân số quá nhỏ bé so với lực lượng của địch, 2 đại
đội Địa Phương Quân, 2 tiểu đoàn Bộ Binh, 1 tiểu đoàn Biệt Động Quân và 30
thiết giáp, nhưng Lộc Ninh đã anh dũng chống cự. Đại Úy William Smith, cố vấn
quân sự của quận này, trong ba ngày liên tiếp sau đó đã nổ lực xin pháo yểm trợ
tối đa để cầm chân địch hầu có thời gian di tản dân chúng. Những người đã chứng
kiến sự chống trả dũng mãnh của các chiến sĩ Địa Phương Quân và Nghĩa Quân tại
Lộc Ninh đều ca ngợi tinh thần chiến đấu của họ không thua gì những binh chủng
chủ lực khác của miền Nam. Đại Úy Jeff Gaynor, một cố vấn quân sự, tuyên bố:
-
Địa Phương Quân và Nghĩa
Quân chỉ được huấn luyện và trang bị để đánh lại với du kích quân Việt Cộng nằm
vùng mà thôi. Nay đánh với quân chính quy của Bắc Việt, họ đã tỏ ra cố gắng rất
nhiều.
Vừa lên xe, Đại Tá Nhựt thúc tài
xế chạy như bay trên đường về Bình Long. Qua Bình Dương, tới Lai Khê, khi qua
trạm đổ xăng dành cho trực thăng, Đại Tá Nhựt thấy có hai người đứng ở trạm vẫy
tay về phía xe của mình. Ra lệnh cho tài xế quẹo vào, ông thấy Trung Tá Nguyễn
Tống Thành, Tiểu Khu Phó và Trung Tá Corley, cố vấn quân sự của Tiểu Khu đứng
đó. Hai người này nhận ra ông vì lá cờ đuôi nheo màu xanh nón beret của Thủy Quân
Lục Chiến cột trên cần ăng ten xe jeep của ông. Trung Tá Thành nói:
-
Quốc Lộ 13 bị đứt tại Tân
Khai rồi, không đi đường bộ được đâu.
Đại Tá Nhựt hỏi qua tình hình,
rồi cho tài xế mang xe về Chơn Thành. Ông vào bãi đáp lấy trực thăng vừa bay
vừa liên lạc về Bình Long, biệt Lộc Ninh đang bị đụng nặng. Ông cùng Trung Tá
Corley bay lên Lộc Ninh, liên lạc với Thiếu Tá Nguyễn Văn Thịnh, Quận Trưởng
kiêm Chi Khu Trưởng, đồng thời liên lạc với Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, Trung Đoàn
Trưởng Trung Đoàn 9 Bộ Binh để nắm vững tình hình rồi bay tuốt qua biên giới,
lên tận Snoul quan sát xem địch có chuyển vận chiến xa và pháo binh để thêm vào
mặt trận hay không. Đại Tá Nhựt không nhìn thấy một dấu hiệu chuyển quân nào
của địch ở vùng này, chỉ thấy một đoàn thiết giáp của mình đang trên đường về
giải cứu Lộc Ninh. Giữa Snoul và Lộc Ninh có
một căn cứ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Thiết Đoàn I Kỵ Binh trấn đóng. Trên
đường về tiếp viện cho Lộc Ninh, thiết đoàn này đã bị chận đánh giữa đường.
Khi từ Snoul bay về, ở trên cao
nhìn xuống, Đại Tá Nhựt đau lòng khi thấy Lộc Ninh và Trung Đoàn 9 chìm trong
khói lửa vì pháo địch. Cũng nhờ chính đích thân bay quan sát tận Snoul, nên
chiều hôm đó, máy bay trinh sát của Mỹ thấy một đoàn xe be của dân đi lấy cây
về, xe be nào cũng có một cần trục đằng sau để chuyển cây lên xuống, máy bay Mỹ
tưởng là Cộng quân kéo thêm pháo đánh Bình Long nên xin lệnh oanh kích. Đại Tá
Nhựt can thiệp kịp thời, cứu một số dân khỏi chết oan ức.
Tối hôm đó, Đại Tá Nhựt bay
xuống Chơn Thành. Tình hình của Chơn Thành vẫn còn yên ổn. Tại đây, gặp lại các
vị ty, sở trưởng vừa từ Vũng Tàu về tới, ông hỏi:
-
Sao không họp nữa mà về?
Một trưởng ty đáp:
-
Sau khi Đại Tá về rồi, Tổng
Thống cho lệnh hủy bỏ cuộc hội thảo, mọi người ai về nhiệm sở và đơn vị của
mình.
Sẵn trực thăng, Đại Tá Nhựt bốc
luôn mấy vị này về An Lộc và cùng chịu trận với nhau trong suốt thời gian bị
Cộng quân vây hãm sau này.
Cuối cùng thì một tiền đồn nhỏ
bé như Lộc Ninh không chịu nỗi những trận mưa pháo khủng khiếp và một cuộc xung
phong biển người của địch nên đành di tản. Ngày 7 tháng 4, Công Trường 5 trành
ngập Lộc Ninh. Tiếp theo là Bố Đức, Katum, Thiện Ngôn và Tống Lê Chân, một
chuỗi tiền đồn nằm dọc biên giới Cao Miên của ba tỉnh địa đầu Quân Khu III là
Phước Long, Bình Long và Tây Ninh đều phải di tản chiến thuật.
Sau khi chọc thủng phòng tuyến
thứ nhất của quân trú phòng, Cộng quân tiến thẳng về mục tiêu: Bình Long. Chúng
chia ra, Công Trường 9 từ Lộc Linh kéo về, có nhiệm vụ “công đồn”, Công Trường
7 mai phục trên Quốc Lộ 13, chặng đường từ Chơn Thành đến Bình Long để “đã
viện”. Còn Công Trường 5 vẫn ở lại Lộc Ninh chờ xa luân chiến với Công Trường
9.
Và An Lộc đã sẵn sàng ứng chiến.
Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 5 Bộ Binh do Tướng Lê Văn Hưng làm Tư Lệnh đã
dời về đóng trong doanh trại cũ của Tiểu Khu Bình Long để chứng tỏ quyết tâm
của miền Nam sẽ giữ Bình Long với bất cứ giá nào. Trái đạn pháo kích đầu tiên
phóng vào thị xã An Lộc lúc 9 giờ sáng ngày 5 tháng 4, làm chết ông già gác
cổng bệnh viện. Đóa là người chết đầu tiên vì pháo kích tại đây.
Cả thị trấn bỗng nhiên như một
đàn ông vỡ tổ. Học trò bỏ lớp chạy về nhà. Hàng quán, tiệm buôn, chợ búa đều
thu xếp dọn hàng, đóng cửa. Đến khoảng trưa thì thị trấn trở nên vắng vẻ và mọi
người bắt đầu nghĩ tới chuyện làm hầm trú ẩn. Qua hôm sau, ngày 6 tháng 4, từng
đoàn người từ các làng xóm chung quanh An Lộc kéo về thị trấn tị nạn. Đa số là
người Thượng từ các buôn ở xa. Ấp Nhà Bò khoảng 200 gia đình Thượng, chỉ còn
một người sống sót, người đàn ông Thượng bồng đứa con trai đang bị thương nặng
cố gắng chạy về tới bệnh viện An Lộc.
Những trận mưa pháo đã bắt đầu
dội vào thị trấn, phần lớn là hỏa tiễn 122 ly. Quân số của Tiểu Khu Bình Long
lúc đó khoảng 700 Địa Phương Quân và Nghĩa Quân. Chủ lực là Trung Đoàn 9 thuộc
Sư Đoàn 5 Bộ Binh của Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh và Thiết Đoàn I Kỵ Binh đã bị hao
hụt nặng sau trận Lộc Ninh, Trung Đoàn
52 thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh của Trung Tá Nguyễn Văn Thịnh đóng ở cầu Cần Lê,
rút về còn chừng 300 người và Trung Đoàn 7 Bộ Binh của Trung Tá Lại Đức Quân.
Trước tình hình ngặt nghèo đó,
Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III, ra lệnh rút Trung Đòan 8
thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh do Trung Tá Mạch Văn Trường chỉ huy để tăng cường cho
An Lộc. Đồng thời buổi trưa ngày 6 tháng 4, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân dưới
quyền chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Văn Biết, được trực thăng vận đổ xuống phi
trường Bình Long. Các chiến sĩ biệt động quân chia làm hai cánh tiến vào thành
phố. Dân chúng đứng hai bên đường đón chào một cách vui mừng và mang nước, thức
ăn ra cho những người mới đến. Cái thị trấn nhỏ bé bỗng chốc tràn đầy cả lính.
Ngày 9 tháng 4, lần lượt các đồn
Quãn Lơi, Xa Cam, Xa Cát và Xa Trạch, nằm trong vòng từ 1 đến 7 cây số chung
quanh An Lộc đã lần lượt thất thủ. Cường độ pháo kích ngày càng tăng và số
thường dân, binh sĩ bị thương đưa vào bệnh viện đã đến mức lo ngại. Ngoài phố,
dân chúng canh chừng những lúc ngưng pháo kích, vội vàng mua sắm những thứ cần
dung để dự trữ. Người ở nhà lo làm hầm trú ẩn. Những cao ốc đều được các đơn vị
đưa ra trấn đóng. Công viên Tao Phùng trở nên một căn cứ hỏa lực của pháo đội
thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh.
Những trận pháo đầu tiên làm cho
người dân An Lộc khiếp đảm. Nhưng mấy ngày sau thì họ đã bắt đầu có kinh nghiệm
và “lì đòn” rồi. Họ đã bắt đầu nghe được tiếng “đề pa” từ hướng nào và phân
biệt loại đạn gì. Một bà khoe, đạn của Việt Cộng dễ biết lắm, cứ nghe tiếng rít
gió là đạn bích kích pháo 82 ly, tiếng xèo xèo như chiên trên chảo nóng là đạn
105 ly, có tiếng hú như còi xe cứu thương là hỏa tiễn 122 ly… Mọi sinh hoạt đều
bị giới hạn. Mặc dù có nhiều người nhún vai cho rằng “trời kêu ai nấy dạ”,
nhưng họ cũng chỉ dám rời khỏi hầm những lúc cần thiết và không xa quá. Cái hầm
bây giờ gắn liền với mọi người như cái mai của con rùa.
Từ ba ngày nay, những người bị
thương vì pháo kích tràn ngập cả bệnh viện. Những người chở vào trước được nằm
trên giường. Những người vào sau thì nằm la liệt trên nền nhà, tràn ra cả ngoài
hành lang. Một người đàn bà Thượng có thai hơn 8 tháng, bị thương ở bụng, cố
gắng sanh, nhưng đứa con chỉ mới ra được cái đầu thị chết ngộp vì người mẹ đã
kiệt sức tắt thở. Những người tị nạn từ các nơi khác chạy về, họ không có
phương tiện gì để làm hầm hố trú ẩn cho được chắc chắn như người trong thị
trấn.
Tội nhất là những người Thượng.
Khi chạy đến đây, một số chỉ quấn cái khố trên người. Những vết thương của họ
được cột lại sơ sài bằng một miếng vải hay đắp bằng lá rừng. Họ đi bộ, khiêng
nhau, dìu nhau, đói khát và một số gục ngã giữa đường. Người đến được bệnh viện
thì vết thương đã làm mủ, hôi hám. Những người bị thương nằm trong bệnh viện
trúng pháo một lần rồi, nên mỗi lần có pháo kích, họ như một đàn ong bị lửa,
chạy như điên từ phòng này qua phòng khác để tìm nơi trú ẩn, nhưng đến đâu cũng
nghe đạn rít trên đầu.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 13 tháng
4 năm 1972, cả thị trấn An Lộc, quân cũng như dân, đều co mình lại dưới hầm trú
ẩn vì một loạt pháo khủng khiếp với chừng 500 trái toàn là hỏa tiễn 122 ly
phóng liên tục vào thị trấn. Quân phòng thủ biết ngay đó là dấu hiệu địch sắp
tấn công. Sau trận pháo kích, khoảng 6 giờ 45 phút, một đoàn chiến xa từ 3 mặt
xông thẳng vào thành phố. Chúng chia ra mỗi toán chừng 15 chiếc, trong đó có cả
M41 và M13 của ta mà địch lấy được ở Lộc Ninh.
Bị tấn công bất ngờ bằng chiến
xa, tuyến phòng thủ phía Bắc của An Lộc đã bị thủng. Một số chiến xa lọt vào
trên các đường phố, hạ nòng súng đại bác 100 ly bắn phá dữ dội. Nói đến chuyện
bắn hạ chiến xa địch, một người có công trạng đầu tiên mà ít ai biết đến đó là
một anh Nhân Dân Tự Vệ. Khi thấy chiến xa địch nghêng ngang tiến vào, anh này
giận quá, chỉa cây M72 ra bắn một phát cho đỡ tức, không ngờ phá thủng một lổ
bên hông chiếc T54 và xe bốc cháy. Tin được báo lên, Đại Tá Nhựt liền ra lệnh
xuất kho, mang hết M72 ra phát cho các đơn vị. Niềm tin tăng lên nhanh, và
những người được trang bị M72 bắt đầu hào hứng lùng bắt tăng của địch.
Một điều làm cho chính những lực
lượng phòng thủ ở An Lộc cũng ngạc nhiên về chiến thuật của địch quân, những
chiến xa đầu tiên hùng hổ xông vào thị trấn rồi ngơ ngác, lạc lõng, chạy khơi
khơi giữa đường để 15 chiếc vừa T54 vừa PT76 bị quân ta bắn hạ, sau đó, khoảng
3 ngàn khinh binh tùng thiết mới tràn vào tấn công. Người ta nói sự thiếu phối
hợp này của địch là một may mắn cho An Lộc, nếu không, cái thị trấn nhỏ bé này
với một quân số phòng thủ quá chênh lệch, chưa chắc đã qua khỏi đợt tấn công
đầu tiên. Nhưng nếu xét cho cùng, thì đây là kết quả một kinh nghiệm làm việc
của Đại Tá Nhựt. Khi được báo cáo đầy đủ danh sách những tên nằm vùng, ông để
yên không đụng tới. Giờ phút cuộc chiến bắt đầu căng thẳng, mới ra lệnh bắt
trọn. Bởi vậy, khi chiến xa địch tiến vào, chúng không có người hướng dẫn. Một
phần những lực lượng tùng thiết của địch bị trực thăng võ trang làm cho chậm
lại, một phần nhờ xử dụng loại đại bác 105 ly gắn trên máy bay AC130, trực xạ
xuống mục tiêu rất chính xác. Theo kinh nghiệm, Đại Tá Nhựt cho rằng Cộng quân
rất sợ loại đại bác này.
Tuy vậy, với lực lượng hùng hậu,
khoảng gần trưa, địch đã chiếm được một phần ba thành phố về phía Bắc. Đó cũng
là khu vực đông dân cư và khu vực buôn bán chính của thị trấn. Dân chúng trong
vùng vừa bị địch chiến đã bất chấp bom nổ trên đầu, đạn bay dưới đất, bồng bế,
dắt nhau chạy ùa qua phần đất còn lại của quân ta.
Mặc cho súng phòng không đan
thành một màn lưới lửa trên bầu trời An Lộc, Không Quân can thiệp tối đa. Bom
nổ từng chuỗi dọc theo những đường tiến quân của địch. Những cao ốc vừa bị địch
chiếm bị trúng bom, gạch ngói tan tành, chon vùi luôn những người không chạy ra
kịp. Mấy chiến xa T54 bốc cháy, làm thành những cột khói đen mờ mịt. Từng đoàn
người già trẻ, lớn bé, máu me bê bết, người chạy, người lết vào bệnh viện.
Tiếng la, tiếng khóc, tiếng kêu gọi nhau bị chìm mất trong tiếng bom đạn nổ
không đứt. Và chỉ trong buổi sáng hôm nay, một thị trấn bé nhỏ với 15 ngàn
người dân hiền hòa, đang sống yên ổn bình lặng bỗng chốc biến thành một địa
ngục giữa chốn trần gian.
Buổi chiều cùng ngày, khi tiếng
súng đã thưa dần, một vài người dân từ dưới hầm bò lên, chỉ mới sau một buổi,
họ không còn nhìn ra thành phố thân yêu của họ nữa. Nhưng hai phần ba thành phố
vẫn còn đứng vững. Niềm tự hào là mặc dù lực lượng của hai bên quá chênh lệch,
phía địch quân, vòng trong, vòng ngoài gồm một lực lượng 30 ngàn quân chính
quy, với chiến xa và trọng pháo đủ các loại, từ bích kích pháo 82 ly, đến hỏa
tiễn 122 ly, quân ta chống trả một cách anh dũng, với quân số chưa đến 8 ngàn,
không chiến xa, không trọng pháo, chỉ nhờ vào tinh thần quyết chiến và sự yểm
trợ của Không Quân để kéo lại thăng bằng.
Bây giờ An Lộc đã trở thành một
địa ngục, và cái trung tâm của địa ngục này là bệnh viện của thành phố. Những
người còn nguyên vẹn sau bao nhiêu đợt pháo thì cuộn mình lại như con cuốn
chiếu nấp kỹ dưới hầm. Những kẻ bị thương đều tìm cách lết vào bệnh viện. Nhưng
họ đến đây để được gì hơn? Thuốc men đã cạn, người sống, người chết nằm chen
lấn nhau từ phòng này qua phòng khác. Những xác chết sình lên, những vết thương
làm mủ hôi hám, máu me, tiêu tiểu lai láng giữa nền nhà. Điều quan trọng nhất
mà họ quên là bom đạn đâu có phân biệt được nhà thương hay trại lính. Các bác
sĩ làm việc ngày đêm trong bệnh viện với một tình trạng thiếu thốn và khổ cực.
Y Sĩ Đại Úy Nguyễn Văn Quý phải dùng những sợi nylon của bao cát, sát trùng
bằng nước sôi để thay chỉ may vết thương khi giải phẫu.
Buổi sáng ngày 16 tháng 4, giữa
lúc tình hình căng thẳng như vậy, một niềm vui chợt đến với mọi người. Tin Lữ
Đoàn I Dù, dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Lê Quang Lưỡng và Liên Đoàn 81 Biệt
Kích Dù, dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Phan Văn Huấn đang được trực thăng vận
đổ xuống tiếp viện cho An Lộc. Hai lực lượng cùng đổ quân xuống Đồi Gió và tiến
vào thị trấn. Mặc dù đồi này đã được một đại đội Địa Phương Quân và một đại đội
Biệt Động Quân trấn giữ, nhưng Tiểu Đoàn 6 Dù của Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh vừa
nhảy xuống là trúng pháo của địch, tổn thương khá nặng. Nhìn những chiến sĩ Dù
và Biệt Kích Dù thận trọng từng bước di chuyển, người dân ở đây thấy vững niềm
tin hơn. Bộ Chỉ Huy của Lữ Đoàn I Dù đóng chung với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu của Đại
Tá Nhựt, và trấn giữ mặt Nam. Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù trấn ở mặt Bắc của
thành phố, tiếp giáp với phần mới bị địch quân chiếm giữ.
Sau đợt tấn công thứ nhất, những
trận pháo kích dữ dội lại tiếp tục, ngày cũng như đêm, với số lượng cỡ 3, 4
ngàn trái pháo mỗi ngày. Nhưng chuyện pháo kích đã trở nên bình thường, bởi vì
đến hôm nay, lo sợ vì pháo kích đã tuột xuống hàng thứ hai, thứ ba. Những điều
lo sợ trước mắt là lương thực, nước uống và có thể một trận dịch nào đó sẽ xảy
ra bởi tình trạng cuộc sống thê thảm như thế này. Tôi nhất là những đứa bé sơ
sanh, người mẹ vì lo sợ quá đã tắt sữa, mà sữa hộp thì tìm đâu cho ra trong
giây phút này. Quốc Lộ 13 vẫn bị Công Trường 7 đắp mô, đóng chốt, kiểm soát
trên một đoạn dài 20 cây số, giữa Chơn Thành và An Lộc. Việc tiếp viện bằng
đường bộ không thể thực hiện được một sớm, một chiều. Mọi người trông chờ một
con đường khác: thả dù. Và những điều mong chờ đã đến. Một buổi sáng đẹp trời,
những bành dù từ trên máy bay C130 thả xuống. Những bành dù đầu tiên là súng
đạn. Những bành sau mới có lương khô. Tinh thần từ dân đến quân lên rất cao. Sự
phấn khởi không phải chỉ đơn thuần vì súng đạn và thực phẩm được tiếp tế, mà
những người đang tính tuổi đời của mình từng giây từng phút trong cái địa ngục
trần gian này biết rằng những người ở ngoài không quên họ.
Những ngày sau đó, pháo của địch
vẫn đều đặn rót vào thành phố, Cộng quân không mở một cuộc tấn công nào đáng
kể. Người ta đoán rằng sau đợt tấn công thứ nhất, Công Trường 9 đã bị nát, nên
rút quân ra chấn chỉnh trước khi tung vào một đợt tấn công khác hầu dứt điểm An
Lộc, kịp có một thủ đô để ra mắt chính phủ lâm thời của Mặt Trận Giải Phóng
Miền Nam đúng ngày 20 tháng 4 năm 1972 như kế hoạch đã vạch ra.
Người dân An Lộc không vui vẻ tí
nào khi nghe cái thị trấn bé nhỏ của mình được chọn làm thủ đô. Và giả sử như
những bàn tay đạo diễn đầy máu me kia có thể chiếm An Lộc để ra mắt một chính
phủ trên đống gạch vụn điêu tàn này, thì làm sao xác của hàng trăm người dân vô
tội còn nằm vất vưởng nơi đây có thể vỗ tay chào mừng chính phủ cách mạng của
những người đến đây để giải phóng họ?
Đó là theo cung từ của một số tù
binh mà ta bắt được mà trong ba lô của mỗi tù binh đều có một bộ quân phục mới
toanh, họ cho biết được phát để dành mặc vào ngày ra mắt chính phủ lâm thời.
Suốt đêm ngày 10 và rạng ngày 11
thang 5 năm 1972, một trận pháo kích tưởng chừng như thành phố An Lộc sẽ sụp
luôn xuống lòng đất. Có lẽ cả trung đoàn pháo của địch cùng nhắm vào đây mà
khai hỏa một lần. Đại Tá Nhựt đã thức giấc từ hồi nào, tiếng của ông điều quân
qua máy truyền tin lớn hơn mọi khi vì tiếng pháo nổ ầm ầm không dứt. Phòng
tuyến của quân ta đã chia sẵn: hướng Bắc An Lộc, trong khu phố đã bị đổ nát vì
đợt tấn công lần đầu được trấn giữ bởi Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù, hướng Đông
Bắc do Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân. Hướng Đông do hai đại đội Địa Phương Quân
cùng mấy trung đội Nghĩa Quân và Nhân Dân Tự Vệ, hướng Tây có Trung Đoàn 8 và
Trung Đoàn 9 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Trung Đoàn 52 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh,
hướng Nam có Lữ Đoàn I Dù trấn đóng. Các đơn vị này, tính đến hôm nay, không có
đơn vị nào còn nguyên vẹn. Trung Đoàn 9 nặng nhất ở trận Lộc Ninh. Trung Đoàn
52 tổn thất lớn khi rút lui khỏi căn cứ Hồng Tâm. Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân
cũng thiệt hại sau khi đổ quân vào An Lộc. Lữ Đoàn I Dù có Tiểu Đoàn 6 bị trúng
pháo nặng khi vừa đổ quân xuống Đồi Gió và bị chận đánh trên đường vào thị
trấn, nhưng lực lượng này đã lập nhiều chiến công nhất. Chỉ có Liên Đoàn 81
Biệt Kích Dù là ít bị thiệt hại, vì họ có một lối đánh rất đặc biệt. Những
chiến sĩ Biệt Kích Dù đục tường, đánh luồn từ nhà này qua nhà khác, dùng kỷ
thuật giao chiến trong thành phố, đánh cận chiến, lưỡi lê và lựu đạn, lấy độc
trị độc: đánh đặc công, đánh du kích.
Khoảng 4 giờ 30 sáng thì cường
độ pháo kích đã tăng lên đến mức cực điểm. Có thể nói trong cái thành phố này,
không có tấc đất nào là không bị đạn pháo rơi xuống. Khoảng 4 giờ 45 phút , Đại
Tá Nhựt tập hợp các ty, sở trưởng của các cơ sở hành chánh và bằng một giọng
bình tĩnh, nhưng ai cũng hiểu là đã đến lúc rồi, ông ra lệnh cho mọi người sẵn
sang chiến đấu.
Khoảng 5 giờ thì tiếng pháo thưa
dần, báo hiệu một đợt tấn công sẽ bắt đầu. Xe tăng của địch từ hướng Nam và Tây
Nam tiến vào. Bộ Binh địch tấn công ào ạt ở hướng Tây và Đông Bắc. Công Trường
5 đã từ Lộc Ninh kéo về phối hợp với Công Trường 9 quyết chiếm An Lộc. Không
Quân yểm trợ tối đa. Tiếng mini-gun và tiếng của đại bác 105 ly từ trên các
trực thăng và máy bay AC130 tạo nên một chuỗi âm thanh kỳ quái giữa lưng trời.
Tiếng bom nổ át hẳn tiếng đạn pháo kích. Từ một anh Nhân Dân Tự Vệ đến một
chiến sĩ Dù, mọi người đều chiến đấu một cách quyết liệt. Họ biết sự sống còn
là trong giây phút hiện tại. Cả thế giới đang nhìn về cái thành phố bé nhỏ này.
An Lộc còn hay mất là một ảnh hưởng chính trị lớn lao cho cả hai bên.
Khoảng 5 giờ 30 sáng, mọi người
nghe những tiếng gió rít từ trên trời, khác hẳn với tiếng pháo, đầu còn nhỏ,
sau tiếng rít lớn dần và một chuỗi những tiếng nổ long trời lỡ đất. Cả thành
phố An Lộc rung rinh như muốn vỡ ra từng mảh. B52 đang “trải thảm”. Loạt bom
đầu tiên thả xuống sát vào tuyến phòng thủ của quân ta. Rồi những loạt bom khác
tiếp nối, tạo thành một vòng khói lửa bao quanh thành phố An Lộc.
Khi trời hừng sáng tiến pháo gần
như đã dứt. Tuyến phòng thủ Dù vẫn y nguyên, 5 chiếc T54 nằm như 5 đống sắt
trước phòng tuyến. Điều đáng nói là Ty Cảnh Sát Bình Long đã bị 4 chiếc T54
tiến vào trước Bộ Chỉ Huy rồi mà bắn hạ được 2 chiếc, 2 chiếc còn lại phải tháo
lui. Phòng tuyến của Địa Phương Quân, Nghĩa Quân và Nhân Dân Tự Vệ vẫn giữ được
nguyên vẹn, mặc dù quân số bị tổn thất. Địch quân chiếm thêm được Ty Công Chánh
và Ty Chiêu Hồi. Một sĩ quan cố vấn quân sự Mỹ cho biết, để yểm trợ cho An Lộc
trong ngày hôm qua, đã có tất cả 26 phi vụ B52 được thực hiện. Có những phi vụ
yểm trợ cho chiến trường Trị Thiên và Cao Nguyên, đang giữa đường, phải đổi
hướng bay về An Lộc. Mỗi phi vụ có 3 chiếc B52, mỗi chiếc mang 54 ngàn cân bom.
Có thể nói đây là một ngày “trải thảm” lớn nhất trong lịch sử pháo đài bay B52.
Đại Tá Trần Văn Nhựt cho rằng, B52 vốn là không quân chiến lược. Nhưng đã sử
dụng ở An Lộc như không quân chiến thuật.
Trước ngày Cộng quân tấn công
đợt này, Tiểu Khu Bình Long bắt sống được Thiếu Úy Nguyễn Thế Hòa, thuộc Tiểu
Đoàn Đặc Công 228 của Công Trường 5, nên đã biết rõ kế hoạch tấn công của địch.
Cuộc chiến tạm lắng dịu. Mức độ
pháo kích ngày nào nhẹ thì chừng một hoặc hơn một ngàn quả. Có ngày cũng 3, 4
ngàn quả. Ngày nào pháo kích nhẹ, Đại Tá Nhựt đi vòng vòng thăm hỏi và kiểm
soát từng công sự phòng thủ. Bởi vậy ông nắm vững tình hình, nên khi có chuyện
gì, lệnh lạc của ông rất hợp tình, hợp lý. Ngoài việc lo phòng thủ, trên cương
vị một tỉnh trưởng, ông còn phải lo cho dân chúng trong thị trấn. Vấn đề lương
thực, thuốc men và bệnh tật trong những điều kiện như thế này, quả thực là một
gánh nặng trên vai ông.
Những ngày đầu, sự lo sợ vì pháo
kích và chờ đợi địch tấn công làm cho người ta quên đi những vấn đề khác. Bây giờ
cuộc chiến thật là quái lạ. Địch và ta có nơi chỉ cách nhau một con đường. Bên
ta có ai buồn buốn xách súng M79 bắn qua bên kia vài phát, địch bắn trả lại vài
phát, cũng bằng M79. Các khu trục A37 của ta dội vài chục trái bom xuống vòng
vây bên ngoài, địch phóng vào thành phố vài chục trái hỏa tiễn trả đũa.
Mọi sinh hoạt không xa quá cái
hầm trên 10 thước. Tiền bạc không dùng trong việc mua bán nữa, mà thuốc lá trở
thành một loại tiền tệ mới. Thuốc lá có thể đổi lấy gạo, thức ăn, máy móc, đồng
hồ…Điều mà người ta lo sợ đã thấy trước mắt: dịch tả. Hàng chục trẻ em hai mắt
trủng sâu, người gầy như bỗ xương rồi lả đi mà chết. Một người đàn ông Thượng
vạm vỡ, chỉ mới ói mửa và tiêu chảy một ngày là chết. Đích thân Đại Tá Nhựt
phải liên lạc với Sài Gòn để xin tiếp tế thuốc.
Địch vẫn pháo kích đều đặn vào
An Lộc. So với những ngày trước, có ngày cường độ pháo kích lên đến 10 ngàn
quả, bây giờ chỉ còn trên một ngàn. Người dân An Lộc nay cũng như người sống
trong một miền mưa dầm, nếu đợi tạnh mưa rồi mới ra khỏi nhà thì đợi đến bao
giờ, cho nên đến hôm nay, thành phố đã thấy một vài sinh hoạt. Cứ “đội pháo” mà
đi, trời kêu ai nấy dạ.
Và trong suốt thời gian An Lộc
bị vây hãm, có hai việc vẫn đều đặn mỗi ngày cho cả hai bên, kẻ công, người
thủ. Cái đều đặn thứ nhất là bên địch quân, họ pháo liên tục, không ngừng nghỉ
một ngày nào. Cái đều đặn thứ hai của một số cấp chỉ huy bên ta, pháo mặc pháo,
mỗi ngày các vị đều chịu khó đến hầm chỉ huy của Đại Tá Nhựt, gọi điện thoại về
trấn an gia đình.
Cứ buổi chiều, người ta thấy một
chiếc xe Honda chở 3 ngưởi, từ Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Bình Long chạy đến hầm chỉ
huy của Đại Tá Nhựt, khoảng nửa cây số, cả 3 đều nón sắt, áo giáp, súng ống cẩn
thận, người ngồi giữa là Trung Tá Thương Thái Tôn, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Bình
Long. Chịu khó hơn nữa là phải nói đến Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu, Tiểu Đoàn
Trưởng Tiểu Đoàn 5 Dù, từ mặt trận Trị Thiên được bốc về tiếp viện cho An Lộc.
Sau khi thấy tình hình đã tạm lắng dịu, ông xin Đại Tá Lê Quang Lưỡng cho
Trưởng Tiểu Đoàn 5 ra ngoài rừng cao su, cách An Lộc một cây số, để giữ thế
trong ngoài tiếp ứng nhau. Và chiều chiều, người ta thấy Trung Tá Hiếu cùng vài
đệ tử lững thững đi bộ từ rừng cao su vào gọi nhờ điện thoại về Sài Gòn.
Ngay sau khi An Lộc bị vây khổn,
một Lực Lượng Đặc Nhiệm khoảng 20 ngàn quân được Bộ Tổng Tham Mưu thành lập,
gồm Biệt Động Quân Dù, Thiết Giáp và Bộ Binh, đặt dưới quyền điều động của
Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III/Quân Khu III. Trước một số
phóng viên chiến trường trong và ngoài nước, Tướng Minh tuyên bố:
-
Chúng tôi sẽ tổng phản công
và nắm chắc phần thắng. Một cánh của Lực Lượng Đặc Nhiệm tiến dọc theo Quốc Lộ
13 để đánh thẳng vào Tân Khai. Hai cánh khác được trực thăng vận đổ xuống phía
Đông Nam của Bình Long để đánh ngang hông Công Trường 7 đang mai phục dọc theo
Quốc Lộ 13 từ Chơn Thành đến An Lộc. Những chiến xa M48 có nhiệm vụ san bằng
những đoạn đường mà địch đào hố, đắp mô gây trở ngại. Hai tiểu đoàn Biệt Kích
Dù được đổ xuống vùng Lưỡi Câu, bên kia biên giới, để chận đường rút lui của
địch. Một cánh khác đổ xuống phía Đông Lộc Ninh để tiêu diện hậu cứ một trung
đoàn thiết vận xa của địch. Sư Đoàn 3 Không Quân lập được nhiều chiến tích, đã
phá hủy một kho đạn và mộ kho xăng lớn dùng cho chiến xe của địch. Tiểu Đoàn 6
Dù của Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh đã bị pháo và tổn thất nặng khi vừa đổ quân
xuống Đồi Gió, tiểu đoàn này được trực thăng bốc ra bổ xung quân số, rồi sau
trở lại bắt tay được với các đơn vị ở An Lộc.
Tại An Lộc, những đơn vị trú
phòng cũng bắt đầu phản công để nới rộng dần vòng đai phòng thủ. Những ngày
cuối tháng 5, Tướng Hưng tung quân tận chân Đồi Gió. Đầu tháng 6, Biệt Kích Dù
đánh lên hướng Bắc và kiểm soát đồi Đồng Long. Một vài chiếc trực thăng tải
thương do những phi công gan lì đã đáp xuống dưới cơn mưa pháo của địch.
Mọi người mong ngóng Lực Lượng
Đặc Nhiệm đến giải tỏa An Lộc, nhưng Công Trường 7 của Cộng quân vẫn bám chặt ở
chốt Tân Khai. Quân ta tiến lên rất chậm, có những chốt “nuốt không trôi” đành
phải đi vòng. Ngày tiến xa nhất đã đến được Xa Cam, chỉ còn cách An Lộc 2 cây
số nữa, nhưng hôm sau phải lui lại một đoạn.
Trong suốt 60 ngày An Lộc như
chìm vào địa ngục, có một người vẫn giữ được sự bình tĩnh một cách đáng nể:
Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Chiến Trường Bình
Long. Với dáng dấp, phong thái như một nhà giáo, ông quyết định mọi việc một
cách trầm tĩnh, ngay đến những ngày địch chiếm được ty Công Chánh, là chỉ còn
cách hầm chỉ huy của ông chừng 200 thước. Giải quyết chiến trường từ tốn như
Tướng Hưng, cũng là cách làm cho địch tự tiêu hao. Một số tù binh bắt được sau
này khai rằng hầu hết các đơn vị Cộng quân tham chiến tại đây đã cạn đạn dược
và lương thực. Lệnh không cho nấu ăn vì sợ máy bay dội bom, nên những rau trái
kiếm được phải ăn sống. Và sau bom đạn là một sự thử thách về tinh thần và sức
phấn đấu. Địch quân với 30 ngàn người, 100 chiến xa, 60 khẩu đại pháo đủ loại,
đã làm tan nát cả thành phố An Lộc và giết biết bao người dân vô tội. Nhưng
cuối cùng, An Lộc vẫn đứng vững, An Lộc không bao giờ sụp đổ, bởi vì toàn dân,
toàn quân tại đây đã chiến đấu với một tinh thần rất dũng cảm.
Một ngày đẹp trời tại An Lộc, có
nghĩa là một ngày địch chỉ pháo cầm chừng khoảng 5, 6 trăm trái đạn, Đại Tá
Nhựt đang dùng cơm trưa trong hầm chỉ huy thì Trung Tá Knowlde, Cố Vấn Trưởng
Tiểu Khu Bình Long báo có phái đoàn đến thăm. Khách đến hôm nay là Tướng
Tallman, vị tướng này không tin rằng Lộc An “ghê gớm” hơn Khe Sanh, nên chờ yên
ổn rồi đến thăm cho biết.
Đại Tá Nhựt nghĩ rằng vị tướng
này không có liên hệ gì với Tiểu Khu Bình Long, lại thăm viếng không chính
thức, nên để cho Trung Tá Knowlde ra đón mà thôi. Trung Tá Knowlde mạng còn lớn
nên chưa kịp đến đón thì phái đoàn đã đi bộ từ bãi đáp đến hầm chỉ huy. Một quả
đạn 75 ly do địch quân từ trên Đồi Gió bắn vào phái đoàn vừa đặt chân xuống An
Lộc. Tướng Tallman bị thương trầm trọng, một Thiếu Tá Mỹ bị gãy tay, hai sĩ
quan Mỹ và một Trung Sĩ thông dịch viên người Việt chết ngay tại chỗ. Tướng
Tallman được trực thăng bốc ngay về cấp cứu, nhưng vết thương trầm trọng, không
thể nào cứu chữa.
Nhớ một lần gặp nhau ở Bộ Tư
Lệnh Quân Đoàn III, Đại Tá Nhựt nói đùa vị tướng này:
-
Thiếu Tướng không cao mà có
tên Tallman.
Cho đến tháng giêng năm 1973,
thì Trung Tá Knowlde không còn may mắn như ngày hôm nay nữa. Trước ngày ngưng
bắn, Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân do Trung Tá Ngô Minh Hồng chỉ huy đến thay thế
cho Liên Đoàn 3 rút về dưỡng quân. Buổi tối ngày 22 tháng 1 năm 1973, Trung Tá
Hồng tổ chức nhảy đầm tại một tư gia trong thị trấn. Trung Tá Knowlde có đến
tham dự.
Đúng 12 giờ đêm, một quả pháo
rơi ngay vào nơi những người đang vui vẻ mừng cho ngày tàn của cuộc chiến,
Trung Tá Knowlde chết ngay tại chỗ, chết trước giờ ngưng bắn đúng 8 tiếng đồng
hồ, và được xem như người quân nhân Mỹ cuối cùng chết trong cuộc chiến Việt
Nam. Lễ an táng của ông được cử hành trọng thể, quan tài đặt trên một chiếc xe
ngựa, xe diễn hành qua trước tòa nhà Quốc Hội của Hoa Kỳ.
Buổi sáng ngày 25 tháng 8 năm
1972, Đại Tá Nhựt cùng với các xã trưởng cúng đình rồi sau đó ăn uống với nhau
để mừng ngày An Lộc tạm yên. Đến 3 giờ chiều, điện thoại từ Quân Đoàn III gọi
đến báo Đại Tá Nhựt chuẩn bị về trình diện Tổng Thống để ra nhận Sư Đoàn II Bộ
Binh thay tướng Phan Hòa Hiệp đã từ chức vì trận Quế Sơn. Một giờ sau, trực
thăng đến bốc Đại Tá Nhựt về trình diện Quân Đoàn III và sáng hôm sau về Sài
Gòn trình diện Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Buổi chiều ngày 26, Đại Tá Nhựt
về thăm gia đình tại Sài Gòn. Bà cụ nghe tin liền can ngăn:
-
Con đã sống chết với An Lộc
thì cứ ở lại An Lộc, hoặc xin giữ một chức gì nhỏ thôi cũng được, đừng đi làm
Tư Lệnh Sư Đoàn.
Đại Tá Nhựt nhìn qua người bạn
đời của mình để hỏi ý. Nhưng có gì khác đâu, người đàn bà nào cũng muốn chồng
mình là con tàu nằm yên trong bến đậu. Đã hơn ba tháng qua, trái tim của người
chinh phụ cứ thắt lại theo từng đợt pháo, từng trận tấn công của địch vào An
Lộc. Bây giờ, nơi miền Trung xa xôi đó….
Nhưng Đại Tá Nhựt chưa phài là
người muốn yên nghỉ. Ông nhìn lại quãng đời của mình, đã 20 năm trong quân ngũ.
Khoác áo nhà binh khi mới 18 tuổi. Xuất thân từ khóa 10 Đà Lạt, lúc Điện Biên
Phủ còn chưa kết liễu. Ông đã giữ từ chức Trung Đội Trưởng, đến Đại Đội Trưởng
Bộ Binh. Đầu năm 1955, tình nguyện về binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, qua các
chức vụ từ Đại Đội Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng, Tham Mưu Trưởng kiêm Tư Lệnh Phó
Thủy Quân Lục Chiến.
Năm 1963, đang nắm Tiểu Đoàn I
Thủy Quân Lục Chiến, ông tham gia cuộc đảo chánh, chiếm đài phát thanh Sài Gòn.
Sau khi Tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý, những người tham dự đảo chánh, một số bị
giam, một số bị loại. Ông bắt đầu trôi nổi theo những chức vụ “ngồi chơi” cho có:
Tùy Viên Quân Sự tại Manila hơn 2 năm, về nước làm Phụ Tá Đổng Lý Bộ Quốc Phòng
cho Trung Tướng Nguyễn Hữu Có. Một thời gian sau, ông lại được đưa về Trung Tâm
Huấn Luyện Của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, tiếp đó là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 43
Bộ Binh, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 48 Bộ Binh và nay Tỉnh Trưởng Bình Long.
Bây giờ đất nước cần, ông không
thể từ chối, mặc dù ông biết sau trận Quế Sơn, Sư Đoàn II Bộ Binh đã nát gần
một nửa, và tình hình chiến sự ở miền Trung còn rất căng thẳng. Ông biết khi về
nắm Sư Đoàn II, ngoài việc chỉnh đốn sư đoàn, thì việc chiếm lại Quế Sơn và giữ
vững vùng trách nhiệm ở đây cũng khó khăn đâu kém gì việc ông đã tử thủ tại An
Lộc. Nhưng ông là một chiến sĩ, chưa bao giờ ngần ngại trước một thử thách nào.
Ngày 27 tháng 8 năm 1972, một
chiếc máy bay của Hoa Kỳ dành riêng để đưa ông ra Huế trình diện Trung Tướng
Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I. Giã từ An Lộc. Giã từ những
người đã chung vai sát cánh với ông trong 144 ngày dài nhất của cuộc đời để giữ
cho thành phố này qua cơn bão lửa.