Lời thề bên dòng sông Mỹ Chánh
Kiều Mỹ Duyên
Khoảng
lúc 12 giờ trưa ngày 30 tháng 3 năm 1972, những đơn vị tiền phương của Cộng
Quân tràn qua sông bến Hải, vượt vùng phi quân sự, tấn công quy mô vào miền
Nam, mục tiêu đầu tiên là tỉnh Quảng Trị. Lực lượng gồm hai sư đoàn chính quy
là Sư Đoàn 304, Sư Đoàn 308 và 4 trung đoàn bộ binh biệt lập, hai trung đoàn
chiến xa, gồm hơn 400 chiếc, là Trung Đoàn 203 và Trung Đoàn 204; hai trung
đoàn pháo binh, Trung Đoàn 38 Pháo và Trung Đoàn 84 Tên Lửa cùng với nhiều đơn
vị yểm trợ khác.
Ngay
giây phút đầu, các căn cứ hỏa lực của Sư Đoàn 3 Bộ Binh và của các đơn vị tăng
phái Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến ở Camp Caroll, Mai Lộc, Sarge, Núi Bà
Hổ, căn cứ Alpha 2 và Alpha 4, Charlie 1 và Charlie 2 cũng như thị trấn Đông Hà
và thành phố Quảng Trị đều bị những trận pháo phủ đầu rất khốc liệt. Sư Đoàn
308 của Cộng Quân sau khi vượt qua sông Bến Hải, tiến thẳng vào các căn cứ hỏa
lực Fuller, Alpha 2, Charlie 1 và Charlie 2, rồi vượt qua sông Cam Lộ để tiến
về Đông Hà, Ái Tử, nơi trú đóng của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh do Chuẩn Tướng
Vũ Văn Giai chỉ huy. Sư Đoàn 304 của Cộng quân sau khi qua sông Bến Hải, đánh
bọc từ hướng Tây vào các căn cứ hỏa lực Sarge, Núi Bà Hổ, Mai Lộc, Thung Lũng
Ba Lòng để tiến về thành phố Quảng Trị.
Những
loạt pháo kích đầu tiên của Cộng quân vào thành phố Quảng Trị khiến cho dân ở
đây bàng hoàng khiếp sợ. Không phải như những đợt pháo kích lẻ tẻ dăm ba chục
trái mà trước đây vẫn thường như cơm bữa. Lần này thì không ai còn đủ bình tĩnh
để đếm là bao nhiêu trái đạn và hỏa tiễn đã trút lên thành phố thân yêu của
mình. Họ linh cảm được sự chết chóc và tang thương đang kề cận.
Những
ngày đầu của tháng 4, nếu đứng ở trạm kiểm soát An Hòa, cửa vào mặt Bắc của
thành phố Huế, người ta thấy đã có những gia đình từ Quảng Trị di chuyển về
Huế, và mức độ này ngày càng tăng lên. Kể từ giữa tháng 4 trở về sau, những
chuyến xe đò từ Quảng Trị vào, trên xe đều có một số gia đình di tản. Thỉnh
thoảng mới thấy một gia đình di tản bằng xe nhà, họ thuộc vào những gia đình
khá giả. Những người di tản sớm, mang theo được nhiều của cải cùng những đồ
dùng cho gia đình giống như dọn nhà chứ không phải là chạy giặc.
Vào
những ngày cuối tháng 4, trận chiến đã đến hồi đẫm máu. Cộng quân pháo đạn 130
ly vào các căn cứ Ái Tử, Đông Hà và thành phố Quảng Trị như mưa trút nước.
Những người di tản trong lúc này ngay cả sinh mạng cũng khó giữ toàn vẹn, chứ
đừng nói đến của cải. Định quân đã nổ lực cắt Quốc Lộ I để cô lập Quảng Trị.
Bởi vậy, càng thấy Quảng Trị sắp bị cô lập, người dân Quảng Trị bằng mọi giá cố
gắng chạy thoát về Huế. Họ bỏ nhà cửa, ruộng vườn, của cãi, chỉ mong chạy thoát
thân được là phước đức.
Buổi
sáng, sau khi gửi bài về tòa soạn, tôi đến thăm đồng bào từ Quảng Trị chạy về
Huế. Họ mới về đây đêm qua và hiện đang tạm trú ở trường trung học quận Hương
Trà và ở các trường tiểu học quận Phú Vang. Ông già, bà già và trẻ con ngổi bẹp
giữa sân trường, trên các bãi cỏ vì quá mệt mỏi.
Tiếng
loa phóng thanh vang lên không ngừng, những lời kêu gọi, những thông báo, nhắn
tin… Trường trung học Hương Trà bỗng chốc đã biến thành trại tị nạn Cộng Sản,
tiếp nhận những ngưởi mới thoát về được đêm hôm qua và một số mới đến sang nay.
Trên một khoản sân gần cổng trường, các sơ và sư cô đang phát quà không ngừng
tay. Quà này do cơ quan Caritas mang đến, mỗi phần là một gói áo quần nhỏ. Các
sơ cho biết, đây là áo quần cho trẻ em. Các sơ đại diện cho Caritas, các sư cô
đại diện cho Hội Phật Giáo Thừa Thiên, tặng mỗi người $50. Kế bên là Chi Y Tế
quận Hương Trà cũng đang phát thuốc cho đồng bào. Không thấy bóng dáng của Hội
Hồng Thập Tự Việt Nam đâu cả, mặc dầu hội này có trụ sở tại Huế.
Một
người đàn bà tóc tai rũ rượi, nét mặt hốc hác vì quá mệt mỏi, bế một đứa bé
đang khóc ngất, đến trước mặt tôi xin tiền mua sữa:
-
Cô ơi, cha của cháu chết
trận rồi. Mẹ thì mới chết vì đạn Việt Cộng pháo kích trên đường chạy vào đây.
Bây giờ tôi phải lãnh nuôi nó…
Tôi dúi
nhanh mấy tờ giấy bạc vào tay người đàn bà để cho chị khỏi kể lể nữa. Hoàn cảnh
của chị ngay trong giây phút này, không cần phải kể lể để được một sự giúp đỡ
nhỏ nhặt như vậy, mà cũng như những đồng bào đang có mặt ở đây, họ phải được sự
thông cảm và chia xẻ của những người đang sống an lành.
Cuộc
chiến tại các căn cứ hỏa lực bảo vệ cho Quảng Trị vẫn diễn ra rất tàn khóc. Một
trong các căn cứ hỏa lực đó như căn cứ Pedro, nằm về phía tây của thành phố
Quảng Trị và bên bờ Bắc của sông Thạch Hãn, được trấn giữ bởi khoản 200 Thủy
Quân Lục Chiến, đã chiến đấu anh dũng đến độ những quân nhân Mỹ ở đây đã chứng
kiến và mệnh danh cho trận đánh tại căn cứ này là “Vietnamese Alamo”.
Đại Úy
Ripley kể lại trong hồi ký của ông, những điều mà chính ông đã nhìn thấy, đã
làm cho ông thật sự cảm phục và ông cho rằng chưa chắc cả một đời binh nghiệp
của một quân nhân nào có dịp chứng kiến được sự dũng cảm của một người lính
chiến như vậy:
“Anh ta
chính là người lính Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam mà tôi đã gặp hai ngày trước.
Lúc đó anh lính trẻ này đã bị thương 7 lần trong vòng 4 ngày. Vết thương nặng
nhất là vết thương sau lưng, phía gần trên cổ. Vậy mà bây giờ anh đã trở lại
đây, tại chiến tuyến này, súng trong tay và đang chiến đấu bên các đồng đội của
anh”. Trận chiến không phải một hai ngày là dứt. Trận chiến kéo dài. Định tấn
công như vũ bão. Ta chống trả bằng mọi giá, một chống bốn, có nơi địch gấp mười.
Những người lính của Sư Đoàn 3 Bộ Binh, Biệt Động Quân và Thủy Quân Lục Chiến
chiến đấu trong các hố cá nhân, ăn, ngủ ngay trong giao thông hào. Những chiếc
pon-chos căng trên đầu che mưa, che nắng. Họ sống giữa bom đạn, cát bụi và bùn
lầy. Họ sống trong những giây phút chờ đợi, căng thẳng và lòng quyết chiến.
Những
trường học của thành phố Huế và các quận ven biên đã thành những trại tị nạn
tạm thời. Chỉ trong một thời gian ngắn, các trung tâm này đầy nghẹt đồng bào từ
vùng bom đạn chạy về. Sự cứu trợ của chính quyền và các cơ quan từ thiện không
thể nào đáp ứng nổi với tình hình. Người lớn và trẻ con ăn gạo sấy không cần
nước, cứ xé bịch ni lông xong là đổ gạo ra long bàn tay, cho vào miệng nhai một
cách ngon lành vì họ quá đói sau bao nhiêu ngày gian khổ, thoát chết biết bao
nhiêu lần mới đem được cái mạng về đây.
Tôi
thật xúc động khi nhìn một em bé chừng ba tuổi vừa chìa tay nhận hộp sữa là đưa
lên miệng nút, mà không biết rằng hộp sữa chưa khui. Cử chỉ vô thức đó biểu lộ
sự đói khát đã lâu của đứa bé.
Những
người mới đến, đàn bà thì ống quần xắn cao lên quá đầu gối, trên vai mỗi người
một gánh nhỏ gồm áo quần và những thứ cần thiết. Có người gánh theo được mất
lít gạo. Có người chẳng có gì trong gánh, chỉ mỗi đầu là một đứa con nhỏ. Những
đứa bé ngồi gọn lõn trong thúng, nước mắt nước mũi chảy dài, lem luốc cát bụi,
hai tay giăng ra vịn chặt vào vành thúng để khỏi văng ra ngoài mỗi khi người mẹ
di chuyển, hoặc qua những đoạn đường mà người mẹ phải vừa gánh vừa chạy cho kịp
với đoàn người tị nạn, hoặc là những đoạn đường gặp Việt Cộng, chúng châu súng
lại pháo ngay trên đầu. Có đứa bé chẳng cần biết trời trăng gì, hoặc có thể là
đã lả người vì mệt và đói khát, nằm khoanh tròn trong thúng mà ngủ.
Tôi
ngạc nhiên khi thấy một số các người lớn tuổi đều mặc áo quần màu trắng. Hỏi
mới biết là họ đã kinh nghiệm mấy lần chạy giặc trong đời rồi, nên cẩn thận, mặ
như vậy để máy bay của ta khỏi oanh tạc lầm.
Khi
những người dân Quảng Trị đầu tiên chạy vào Huế, người dân Huế bắt đầu theo dõi
tình hình chiến sự từng giây, từng phút. Và những người lo xa đã sớm bỏ Huế
chạy vào Đà Nẵng. Rồi Huế bị pháo kích. Thoạt đầu, Cộng quân pháo vào đồn Mang
Cá, nơi trú đóng của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh và sân bay Thành Nội. Sau đó
pháo bừa cả vào phố xá và nhà của dân.
Cánh
cửa mặt Nam của thành phố Huế tức là ngõ vào Đà Nẵng, như bỗng nhiên mở toang
ra. Từng đoàn xe của người đi lánh bom đạn nối đuôi nhau trên Quốc Lộ I, hướng
vào Đà Nẵng. Và đã có nhiều người không chết vì bom đạn, nhưng chết vì xe lật
nhào xuống đèo Hải Vân. Người ta kể rằng, có ngày chiếc xe đầu đoàn mới vào
thành phố Đà Nẵng, thì chiếc cuối còn ở tận Lăng Cô, và mãi tới ngày sau mới
vào Đà Nẵng được, vì phải qua những trạm kiểm soát để thanh lọc đặc công Việt
Cộng trà trộn với dân. Chừng nửa tháng sau, khi thấy Huế vẫn bình yên, những
người đi tị nạn lại kéo nhau trở về để làm ăn sinh hoạt như trước. Có gia đình
khi trở về, đã bị trộm dọn sạch sẽ, không còn một đôi đũa để ăn cơm.
Trong
lúc đó, cũng trên Quốc Lộ I, đoạn đường từ Quảng Trị vào Huế vẫn còn hàng ngàn,
hàng ngàn người di chuyển thành một đoàn dài cả mấy cây số, toàn là ông già, bà
gìa, đàn bà và trẻ con, họ cố gắng bỏ xa vùng trận chiến. Nhưng đã hàng trăm,
hàng ngàn người bỏ xác lại bên đường hoặc vẫn cố dìu nhau lết đi với những vết
thương không được băng bó vì đạn pháo kích của Cộng Quân bắn như mưa vào đám
người đang cố chạy vào phương Nam. Họ chỉ thấy được tình người khi đi qua chỗ
những đơn vị của Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân. Những người lính Thủy Quân
Lục Chiến trút hết tiền bạc, lương thực và cả nước uống cho những nhóm người
nào đi ngang qua gần họ. Những người chiến sĩ này không cầm lòng được trước
cảnh đau thương đó. Họ muốn trao hết những gì sở hữu mà họ đang mang trên người
cho đồng bào khốn khổ của mình, trước khi trao mạng sống của họ cho Tổ Quốc
trên chiến địa.
Đó là
ngày thứ 35, kể từ ngày 30 tháng 3, ngày đầu tiên tràn qua sông Bến Hải, Cộng
quân đã chiếm được thành phố Quảng Trị bởi một lực lượng gấp ba lần lực lượng
trấn đóng của quân đội miền Nam. Thọa đầu, Cộng quân tung vào 2 sư đoàn chính
quy: Sư Đoàn 304 và Sư Đoàn 308 với sự yểm trợ của hai trung đoàn pháo binh
nặng và hai trung đoàn chiến xa để thực hiện giai đoạn một là đánh bật các căn
cứ hỏa lực đang làm thành một hàng rào dọc vùng phi quân sự. Vào khoảng gần
cuối tháng 4, Sư Đoàn 320 của Cộng quân mới đến thay thế cho hai sư đoàn kia
nghỉ mệt, và đánh chiếm Cam Lột, La Vang, Hải Lăng, hoàn tất giai đoạn 2. Cuối
tháng 4, Sư Đoàn 325 của Cộng quân tiến vào, bắt đầu giai đoạn 3, đánh chiếm
Quảng Trị.
Trong
lúc đó, quân ta chỉ có Sư Đoàn 3 Bộ Binh với các đơn vị yểm trở gồm có Thiết
Giáp, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến và Địa Phương Quân, tổng cộng khoảng
hai sư đoàn. Hai chống với năm và phải chiến đấu liên tục cả tháng trời, chứ
không được thay chân theo chiến thuật “lấy khỏe đánh mệt” như địch quân. Vậy mà
những chiến sĩ trấn đóng tại ải địa đầu đã anh dũng giao chiến, cầm cự suốt cả
tháng dưới những trận mưa pháo tưởng chừng như không cất đầu lên được.
Đại tá
Gerald H. Turley, Cố Vấn Trưởng của Sư Đoàn 3 Bộ Binh đã viết lại trong cuốn
The Easter Offensive những giây phút cảm khái của thiếu tá Bob Sheridan, một cố
vấn quân sự của Thủy Quân Lục Chiến, những giây phút mà ông nhớ mãi bên bờ sông
Mỹ Chánh:
Buổi
trưa ngày 2 tháng 5, Đại Tá Phạm Văn Chung, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369 Thủy
Quân Lục Chiến và những sĩ quan tham mưu của ông dừng lại bên bờ phía Nam sông
Mỹ Chánh. Đại Tá Chung đứng yên lặng buồn bã nhìn đoàn người tị nạn đang chen
nhau vượt qua cầu Mỹ Chánh, đổ vào thành phố Huế. Cây cầu nhỏ chỉ chừng vài chục
thước. Qua khỏi cây cầu đó là vào vùng an toàn. Chừng một giờ sau, khi đoàn
người đã qua sông và xuôi về phương Nam, Thiếu Tá Bob Sheridan quay lại hỏi Đại
Tá Chung:
-
Đại Tá, mọi người đã đi hết
rồi. Bây giờ chúng ta làm gì đây? Có lui vào trong đó không?
Đại Tá
Chung quay lại nhìn người sĩ quan Hoa Kỳ và nói với một giọng cương quyết:
-
Không, không. Chúng ta
không lui nữa. Chúng ta là những chiến sĩ, chúng ta ở lại đây, bên bờ sông này
để chận địch. Sẽ không có một tên Việt Cộng nào có thể vượt qua sông Mỹ Chánh
mà còn mạng sống trở về.
Lời nói
sắt đá của Đại Tá Chung y như một lời thề. Cộng quân bằng mọi nổ lực cũng không
vượt qua được phòng tuyến trấn giữ bởi Lữ Đoàn 258, Lữ Đoàn 369, Thủy Quân Lục
Chiến. Và đúng như lời của người quân nhân hơn nửa đời trải qua bao trận mạc,
những ngày sau đó khi các đơn vị Dù và Thủy Quân Lục Chiến mở những đợt phản
công, máu quân thù đã đổ xuống bên bờ sông Mỹ Chánh.
Quảng Trị mất, cả miền Trung bàng
hoàng, rúng động. Ngày 3 tháng 5 năm 1972, Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm đương kim
Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I được lệnh bàn giao chức vụ lại cho Trung Tướng
Ngô Quang Trưởng đương kim Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Quân Khu IV để vào Sài Gòn giữ
một chức vụ không quan trọng.
Tin
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng về chỉ huy vùng I như một luồng sinh khí thổi vào
miền Trung. Quân và dân đều một lòng tin tưởng. Họ tin cậy vị tướng này không
phải chỉ bằng vào những bài báo trong và ngoài nước đã từng ca ngợi và đánh giá
ông như một danh tướng, hoặc qua những lời truyền tụng trong quân đội miền Nam,
mà chính người dân và những người lính trú đóng tại miền Hỏa Tuyến này đã chính
mắt nhìn thấy những khả năng và đức độ của ông, khi ông còn là Tư Lệnh của Sư
Đoàn I Bộ Binh, đánh bại Cộng quân trong vụ Tết Mậu Thân để chiếm lại Kinh Đô
Huế.
Người
ta cho rằng Tướng Ngô Quang Trưởng trở lại Huế hôm nay, cũng như Tướng De
Lattre De Tassigny của Pháp đến Hà Nội năm 1950 để cứu nguy Hà Nội khi tình
hình của thành phố này đang bị Việt Minh đe dọa trầm trọng.
Vừa đặt
chân đến Đà Nẵng, nơi trú đóng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, việc đầu tiên của
Tướng Trưởng không phải là chuyện phản công đánh địch ngay, mà là vấn đề được
ông coi như hàng đầu, đó là củng cố tinh thần binh sĩ. Tướng Trưởng làm việc
gần như 24/24 giờ mỗi ngày. Không có đơn vị nào mà ông không đến thăm. Cho đến
một trạm kiểm soát ở Lăng Cô, dưới chân đèo Hải Vân, chỉ có hai nhân viên Quân
Cảnh và một nhân viên Cảnh Sát, mà Tướng Trưởng cũng đáp trực thăng xuống bên
đường và bước vào hỏi han công việc. Những chuyện đó được loan truyền rất nhanh
trong các đơn vị, ngoài dâ n chúng và tạo thành niềm tin. Cả thành phố Huế kinh
hoàng chờ chạy giặc, bỗng như quên mất địch quân đang tập trung lực lượng để
chuẩn bị đánh thốc vào phòng tuyến Mỹ Chánh. Quân nhân thuộc mọi binh chủng
quân phục tươm tất, tóc hớt ngắn như thời bình. Đơn vị trưởng thì luôn luôn có
mặt tại đơn vị, vì không biết ông Tướng bất thần ghé thăm vào bất cứ lúc nào.
Và tinh thần quân dân cán chính lên cao, bừng bừng một ý chí đẩy lui địch quân,
lấy lại những vùng đất đã mất.
Ngày 13
tháng 5 năm 1972, một lực lượng gồm có Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục
Chiến được trực thăng vận đã bất thần đổ xuống ngay trên đầu địch quân tại quận
Hải Lăng, một quận về phía Nam của thành phố Quảng Trị. Đây là cuộc phản công
đầu tiên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ bên này phòng tuyến sông Mỹ Chánh.
Cuộc phản công bất ngờ và sấm sét đó đã tiêu diệt gần trọn đơn vị của Cộng quân
đang chiếm đóng quận này. Một số đồng bào còn kẹt trong quận Hải Lăng, nay được
giải thoát đã vội vã tìm đường chạy ra khỏi vùng lửa đạn.
Rồi
những đợt tấn công khác do các đơn vị Dù và Thủy Quân Lục Chiến từ sau phòng
tuyến Mỹ Chánh tung ra. Một kế hoạch phản công toàn diện đã được Trung Tướng
Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Chiến Trường soạn thảo. Và ngày 28 tháng 6 năm 1972,
cuộc Hành Quân Lam Sơn 72 bắt đầu. Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến có nhiệm vụ
càng quét địch quân dọc Quốc Lộ I ra tận ven biển, “đóng nút” Cửa Việt không
cho địch tiếp tế vào Quảng Trị bằng đường biển. Lực lượng Dù càn quét theo Quốc
Lộ I vào tận chân núi của rặng Trường Sơn, ngăn chận viện quân của địch từ Lào
kéo qua. Và cuối cùng mục tiêu của hai lực lượng là thành phố Quảng Trị. Những
chiến sĩ Dù và Thủy Quân Lục Chiến khi vượt qua dòng sông Mỹ Chánh, mặc dù
không ai nói với ai, nhưng trong long tựa hồ như đã có một lời thề, thề phải
dựng lại lá cờ vàng ba sọc đỏ trên Cổ Thành Quảng Trị với bất cứ giá nào!
Trận
chiến kỳ này khốc liệt đến mức những phóng viên chiến trường, kể cả các phóng
viên ngoại quốc đều được lệnh phải ở xa các đơn vị đang giao tranh, Nhanh chân
nhất là Barney Seibert, phóng viên chiến trường của UPI, đã bám theo các đơn vị
Dù, nhưng khi còn cách Quảng Trị 6 cây số nữa thì các sĩ quan chỉ huy đã bắt
ông phải dừng chân, đó là lệnh chung cho tất cả phóng viên báo chí và truyền
hình. Bởi vậy, những ngày đầu cuộc phản công của quân ta, những tin tức chi
tiết về chiến trường, giới truyền thông trong và ngoài nước không thu nhận được
bao nhiêu.
Các
phóng viên chiến trường mỗi người tự mình tìm lấy phương cách riêng để đến sát
nơi giao tranh hơn. Anh Nguyễn Tú, phóng viên của báo Chính Luận, quá giang xe
jeep của Bác Sĩ Bùi Thế Cầu, Y Sĩ Trưởng của Tiểu Đoàn 5 Dù và Trung Tá Lê
Thành Điểm từ Mỹ Chánh đến La Vang. Khi đến cầu Trường Phước, nơi bị pháo kích
nhiều nhất, cách La Vang chừng 500 thước, xe jeep bị trúng một quả đại bác 130
ly của Cộng quân. Xe nổ tung, tài xế chết ngay, những người trên xe đều bị
thương nặng.
Đồng
bào về đây đa số ở xã Lãm Thúy thuộc quận Hải Lăng. Họ họp nhau từng toán, đi
bộ suốt đêm, sang hôm sau mới tìm đến chỗ của Thủy Quân Lục Chiến đang hành
quân. Những chiến sĩ Cọp Biển này dang tay đón đồng bào vừa thoát khỏi vùng
địch đóng. Tôi hỏi một ông cụ tóc đã bạc phơ, trên khuôn mặt nhăn nheo còn đầy
những nét đau đớn xúc động bởi những cảnh tang thương bỗng đâu xảy đến trong những
ngày vừa qua, cụ đứng ngơ ngác một mình giữa đám đông:
-
Thưa cụ, sao mãi đến bây
giờ cụ mới về đây?
-
Việt Cộng không cho dân đi.
Bỏ đi thì chúng pháo ngay trên đầu, bởi vậy nhiều người chết lắm, cô ơi! Sợ
pháo, sợ chết, nhưng không muốn sống trong vùng của chúng, nên nhiều lúc dẫm
lên xác chết mà chạy.
-
Gia đình, con cháu của cụ
có ở đây không?
-
Thằng con trai lớn của tôi
đi lính, không biết bây giờ đang đánh trận ở đâu. Con dâu và hai cháu bị lạc
mất giữa đường, không biết còn sống hay chết.
Và cách
chỗ tôi đứng chừng 10 mét, hai người lính Thủy Quân Lục Chiến đang thuyết phục
một người đàn bà đưa đứa con nhỏ đã chết từ đêm hôm qua vì trúng mảnh đạn pháo
cho họ chôn cất. Người đàn bà ngồi bẹp dưới gốc cây, hai tay ôm chặt xác đứa
con trong long, hai mắt thất thần nhìn thẳng vào khoảng không, như chẳng nghe
ai đang nói gì với mình.
Mấy hôm
nay, những đoàn quân Dù và Thủy Quân Lục Chiến đang trên đường tiến về thành
phố Quảng Trị. Những người dân ở Huế có bà con còn kẹt lại trong vùng địch đóng
theo dõi tin tức chiến sự hàng ngày với hy vọng sớm liên lạc với bà con của
mình. Huế và Đà Nẵng đang bị pháo kích dữ dội. Ngày 2 tháng 7, mới sáng hừng
đông, Cộng quân đã pháo 20 trái đạn đủ loại vào Huế, ngay đường Tăng Bạt Hổ, là
một khu toàn dân cư. Ngày hôm sau lại chịu thêm một trận pháo kích liên tục
trong 25 phút làm cho 50 người dân thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Ngày
14, Đại Nội lại bị 43 trái hỏa tiễn 122 ly vào buổi sáng. Buổi trưa bị một đợt
pháo khác trên đường Lê Văn Duyệt và buổi chiều, trường Nông Lâm Súc bị đạn sơn
pháo 130 ly.
Một số
dân bỏ Huế chạy vào Đà Nẵng. Trong lúc đó, đồng bào ở trong các vùng bị địch
chiếm phía Bắc sông Mỹ Chánh, thấy quân ta tiến ra đánh lui Cộng quân, đã từng
đoàn chạy vào Huế. Lại một lần nữa, họ làm bia cho Cộng quân nhả đạn. Sự tàn
nhẫn và vô nhân đạo của người lính Cộng Sản đã được Thiếu Tá Bob Sheridan, cố
vấn quân sự của Thủy Quân Lục Chiến viết lại trong tờ trình của ông:
“Đoàn
người chạy loạn dài hàng cây số, gồm
phần lớn là người già, trẻ em và đàn bà đang tìm cách tránh xa vùng giao tranh
để xuôi về hướng Nam, thành phố Huế. Vào khoảng buổi trưa, pháo binh của quân
Bắc Việt đã tập trung đủ hỏa lực và bắt đầu pháo như mưa vào đoàn người đang di
chuyển. Hàng trăm, hàng trăm người chết và bị thương. Nhưng quân Bắc Việt không
thể nào ngăn chặn được, đoàn người vẫn tiếp tục tiến vào phương Nam”.
Và
Thiếu Tá Sheridan ghi nhận nhữnng cảm nghĩ riêng của ông, là nếu trước đây, ông
có một chút nào đánh giá người lính Bắc Việt, thì nay sự đánh giá đó đã mất
hết.
Áp lực của
Cộng quân đang đè nặng trên thung lũng Ashau, phía Tây của thành phố Huế. Điều
lo sợ là trong khi đại quân của ta kéo ra Quảng Trị, thì Cộng quân có thể mưu
đồ đánh úp thành phố Huế. Nhưng Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh tuyên bố với các phóng viên tại mặt trận là
Sư Đoàn I đã bẻ gãy toàn bộ kế hoạch đánh chiếm thành phố Huế từ mặt Tây Nam,
vùng thung lũng Ashau.
Tướng
Phú cho biết, Cộng quân đã tung vào mặt trận Tây Nam Huế hai sư đoàn bộ binh
nòng cốt với một trung đoàn pháo nặng yểm trợ, đó là Sư Đoàn 324B và Sư Đoàn
“Quân Khu Trị Thiên”. Riêng Sư Đoàn 324B được tăng cường thêm Trung Đoàn 812 là
đơn vị mới, chưa hề tham chiến kể từ ngày Cộng quân tràn Bến Hải. Theo Tướng
Phú, hai sư đoàn này dự mưu đánh Huế bằng một mũi nhọn chọc thủng phía Tây Nam
thành phố. Kế hoạch tấn công Huế đã được Hà Nội toan tính từ trước tháng 7. Tuy
nhiên, theo tướng Phú thì Sư Đoàn I sẽ bẻ gãy toàn bộ kế hoạch này. Cộng quân
chỉ còn thực hiện được các cuộc quấy phá bên ngoài vòng đai và pháo kích vào
Huế cũng như các vị trí phòng thủ của quân ta mỗi ngày từ 500 đến 1000 quả và
hỏa tiễn mà thôi.
Phòng
tuyến Tây Nam Huế dài khoảng 30 cây số. Các chiến sĩ của Sư Đoàn I Bộ Binh
trong thời gian này đã tái chiếm lại tất cả các vị trí chiến lược chung quanh
Huế. Ngày 15 và 16 tháng 5, quân ta chiếm lại hai căn cứ Bastogne và Checkmate.
Buổi
chiều trời đột nhiên đổ xuống một cơn mưa hè. Chúng tôi được tin một số đồng
bào từ Quảng Trị mới chạy vào, hiện đang tạm trú tại trường học của quận Hương
Điền mà chưa được một cơ quan công hoặc thiện nguyện nào đến giúp đỡ cả. Tôi
cùng với người bạn mượn được chiếc xe cũ. Xe không đèn, lái đi trong đêm mưa.
Những con đường của thành phố Huế cũng thiếu ánh đèn, may nhờ xe nổ lớn nên
người đi đường nghe mà tránh ra.
Đầu
tiên chúng tôi đến gõ cửa trụ sở Hồng Thập Tự, nhưng văn phòng đóng cửa, tắt
đèn, có lẽ những người làm ở đây đã bỏ vào Đà Nẵng rồi chăng? Lái xe qua gõ cửa
Hội Thương Phế Binh, gặp thiếu tá Mai đương là Chủ Tịch của Hội. Thiếu tá Mai
sốt sắng gọi điện thoại hỏi nhiều nơi, nhưng chẳng ai chịu bán sữa và thuốc tây
vào lúc này, vì lúc đó cũng đã hơn 10 giờ tối Chủ Nhật. Chúng tôi đành trở về.
Sáng
hôm sau, mới 6 giờ 30 sáng, chúng tôi vào chùa tìm anh Nguyễn Kinh Châu, đại
diện báo Sóng Thần ở Huế. Anh Châu xin vợ 20 ngàn, tôi bỏ them 30 ngàn tiền
túi cũng mua được một ít sữa hộp. Đến
lều báo chí, tôi thấy xe của ông Trần Sum, Giám Đốc Đài Truyền Hình Huế đã đậu
ở đó. Ông Sum tiễn anh Nguyễn Thanh Liêm, đang làm cho đài này, và chúng tôi ra
tận máy bay. Ông Sum cũng phụ với anh em, chính tay vác dùm một thùng sữa đưa
lên sàn máy bay rồi mới trở về.
Trời
mưa từ đêm hôm qua, nay vẫn còn mưa và gió lớn. Trực thăng bay thật thấp khi
qua phá Tam Giang. Bên dưới nước sông dậy sóng, và trên bờ, những cồn cát trắng
xóa chạy dài trông thật đẹp. Máy bay đáp xuống một bãi cỏ hoang gần nơi đồng
bào đang tạm trú. Chúng tôi trao sữa tận tay cho những người già, trẻ con và
những người bệnh. Các anh Thủy Quân Lục Chiến thì phát lương khô. Chúng tôi
muốn ở lại lâu hơn để hỏi han và nghe kể lể những hoàn cảnh đau thương của
những người vừa thoát khỏi vùng địch đóng, nhưng đành từ giã vì phải quá giang
với trực thăng đón Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Thủy
Quân Lục Chiến về họp ở Bộ Tư Lệnh.
Người
ta còn nhớ, ngày 1 tháng 5 vừa qua, khi tất cả lực lượng phòng thủ Quảng Trị
rút lui cùng với đồng bào trên Quốc Lộ I về Huế, địch quân đã truy kích, bám
theo sát để đánh thẳng vào Huế. Trong tình huống nguy hiểm đó, Tiểu Đoàn 2 và
Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến đã chờ cho quân ta và đồng bào vượt qua, rồi
đóng cổng “Mỹ Chánh” bằng tất cả nổ lực, quần thảo với Cộng quân suốt một ngày
hôm đó, đập tan cái khí thế thừa thắng xong lên của địch và chận địch ngay bên
kia bờ sông Mỹ Chánh.
Khách
sạn Hương Giang là khách sạn thanh lịch nhất của thành phố Huế, nằm sát bên bờ
sông Hương. Kể từ lúc tình hình chiến sự của vùng I trở nên sôi động, thì khách
sạn này là nơi họp mặt hầu hết những phóng viên của các báo Việt Nam và ngoại
quốc. Buổi sáng, tôi ngồi uống cà phê tại khách sạn Hương Giang với một số anh
em các báo khác. Sau khi trao đổi những tin tức chiến sự mới mẻ nhất, chúng tôi
chia tay nhau lên đường theo chân các đơn vị đang hành quân ngoài Quảng Trị.
Tôi đi theo Tiểu Đoàn 6 Dù đang tiến quân qua sông Thạch Hãn. Anh Nguyễn Thanh
Liêm đi theo một cánh quân của Thủy Quân Lục Chiến.
Khi tôi
đến, Tiểu Đoàn 6 Dù đang giao tranh với địch bên bờ sông Thạch Hãn. Tiếng súng
nổ dòn khắp nơi. Pháo của địch dội lên đầu như mưa. Đạn 130 ly và hỏa tiễn nổ
lùng bùng cả hai tai. Khói súng như một màn sương mỏng ban mai quyện trên mặt
nước của dòng sông Thạch Hãn.
Tôi len
lõi theo các giao thông hào để quan sát chiến trường. Vừa dứt một đợt pháo, tôi
ló đầu nhìn lên, phía bên kia giao
thông hào, anh Trần Khiêm, nhiếp ảnh viên của CBS cũng vừa nhảy lên khỏi hố,
quay lại bấm liền cho tôi một tấm hình. Anh Khiêm hiện nay là chủ nhân của
Khiêm Photo tại Little Sài Gòn. Cũng lúc đó, một loạt đạn pháo khác đang rít
gió bay đến. Anh Khiêm vừa nhảy xuống hố vừa la:
-
Kiều Mỹ Duyên, pháo đó,
đừng nhô đầu lên nữa.
Hết
pháo, tôi lại nhô đầu lên quan sát. Những chiến sĩ Dù đang tiến về phía quân
địch. Tiến rất khó và chậm vì hỏa lực của địch quá mạnh. Tiếng la hét, những
lệnh lạc qua máy truyền tin, cùng với tiếng súng nổ không dứt từ hai bên bờ
vang vọng suốt một quãng sông dài. Bên bờ phía Nam là quân ta, những chiến sĩ
Dù. Bên bờ phía Bắc là quân địch đang bám chặt. Trên trời, máy bay L19 bay lượn
và khu trục A37 đang gầm thét, thả từng loạt bom xuống, nhiều lúc thật mạo
hiểm, vì giữa ta và địch, một khoảng cách chẳng có bao nhiêu.
Tôi
chưa thấy một chiến sĩ Dù nào lui khỏi vị trí của mình. Người trước ngã, người
sau tiến lên. Tất cả những thương binh đều được tải thương bằng mọi cách, không
bỏ ai ở lại, đó vẫn là một điều hãnh diện của binh chủng này từ trước đến nay.
Nói đến binh chủng Dù, tôi chợt nhớ đến phóng viên chiến trường Gerald Hebert,
ông là người Canada gốc Pháp đã từng có mặt tại nhiều cuộc chiến khắp nơi trên
thế giới và ông thường nói:
-
Tôi thích nhất và cảm phục
nhất là binh chủng Nhảy Dù của Việt Nam Cộng Hòa, họ chiến đấu như sư tử.
Khi
trận chiến sắp kết thúc thì trời đã hoàn hôn. Tôi đứng bên bờ sông Thạch Hãn
nhìn bao quát khung cảnh của bãi chiến trường. Chiến cụ và xác người vương vãi
khắp nơi. Dòng sông Thạch Hãn vẫn lặng lờ, không biết có phải máu đã đổ xuống
hay là những tia nắng quái của lúc hoàng hôn chiếu hắt lên khiến cho mặt nước
có màu đỏ thẫm. Những chiến sĩ Dù còn truy kích địch.
Buổi
tối trở về Huế, tôi được tin anh Nguyễn Thanh Liêm cùng với hai phóng viên
ngoại quốc đã chết khi theo chân một cánh quân của Thủy Quân Lục Chiến đụng
trận ở quận Phong Điền. Mới cùng ngồi uống cà phê hồi sáng ở Hương Giang. Mới
chia tay và chúc lành cho nhau trước khi đi. Buổi tối trở về vắng bóng ba
người. Ba người đã bỏ gia đình, bỏ bạn bè, bỏ nghề và cả cái nghiệp của mình,
vĩnh viễn ra đi…
Ngày
hôm sau tôi lại được tin có thêm 3 phóng viên chiến trường vừa gục ngã trên mặt
trận Hải Lăng. Tin điện của các phóng viên bạn gửi về tòa soạn: Lúc 15 giờ
chiều qua, một phóng viên chiến trường Việt Nam và 2 phóng viên của hệ thống
truyền hình ABC Hoa Kỳ đã tử thương vì một loạt đạn AK47 của quân Bắc Việt tại
khu vực ranh giới quận Hải Lăng và quận Phong Điền. Phóng viên Việt Nam là anh
Trần Văn Nghĩa của Đài Truyền Hình Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa và hai phóng viên
ngoại quốc khi đứng quan sát chiến trường tại ranh giới hai quận này cách Quốc
Lộ I chỉ có 800 thước, thì bị một lính Bắc Việt núp gần đó bắn một loạt AK
khiến anh Nghĩa gục xuống bên hố cá nhân của tên lính Bắc Việt vừa bắn anh chỉ
cách có 2 thước.
Hai
phóng viên ngoại quốc cũng chết vì một loạt đạn AK của Cộng quân. Phóng viên
Trần Văn Nghĩa năm nay 37 tuổi, 1 vợ 8 con và mang cấp bậc Trung Sĩ I phục vụ
cho đài Truyền Hình Quân Đội từ mấy năm
nay. Hai phóng viên hãng ABC tử thương là Sam Kai Faye và Tonykhool. Phóng viên
Sam Kai Faye, có quốc tịch Tân Gia Ba, bị trúng đạn khi anh tiến đến để cứu
phóng viên Trần Văn Nghĩa.
Chúng
tôi đến bệnh xá của Thủy Quân Lục Chiến để thăm anh Liêm. Anh Liêm nằm đó,
trong bọc nylon màu trắng. Người lính làm ở chung sự vụ kéo tấm nylon trên đầu
anh xuống. Khuông mặt anh thật thản nhiên. Tóc anh còn ướt và dính cát. Trung
Tá Khẩn, Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị nói với chúng tôi:
-
Theo lời của một người lính
Thủy Quân Lục Chiến kể lại, anh Liêm đang quay cảnh Thủy Quân Lục Chiến vượt
sông tiến về phía Bắc. Anh không mặc áo giáp, không đội nón sắt. Một viên đạn
ghim vào ngực và anh gục xuống.
Trên
đường về mọi người đều im lặng. Anh Nguyễn Thanh Liêm người quận Quế Sơn, Quảng
Nam. Anh Liêm nằm xuống, gây xúc động cho những người đã quen biết anh hoặc
cùng chung những công việc với anh. Điện thoại gọi đến Đài Truyền Hình để chia
buồn suốt ngày. Người nhiệt tình nhất là Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Thủy
Quân Lục Chiến.
Xác anh
Liêm được mang về an táng tại Đà Nẵng. Chị Liêm ngồi bên quan tài của anh nghẹn
ngào nói với tôi:
-
Anh vẫn muốn khi đứa con út
của chúng tôi được 15 tuổi thì anh vào chùa xuất gia. Tôi đồng ý với ước nguyện
của anh. Nhưng năm nay cháu nó mới có mười hai tuổi thì anh đã bỏ mẹ con tôi mà
đi rồi.
Tôi ngỏ
ý xin chị một tấm hình của anh để in trên báo. Chị Liêm lắc đầu:
-
Mẹ con tôi chạy giặc từ
Quảng Trị vào, đâu có mang được cái gì.
Tôi nhớ
lại một vài lần đi chung trong toán với anh Liêm đến giúp đồng bào tại các
trung tâm tị nạn. Trên đường đi, anh ngồi yên lặng. Hình như từ lúc gặp tôi cho
đến khi lên máy bay, anh chưa nói với tôi một lời nào, ngoại trừ cái gật đầu
chào khi mới gặp.Dáng người anh cao gầy, có vẻ khắc khổ. Về sau tôi mới biết
anh ăn chay trường đã hơn mười năm nay.
Hai hôm
sau, ngày 22 tháng 7 năm 1972, phóng viên Gerald Hebert bị một quả đạn pháo của
Cộng quân và chết tại Hải Lăng. Còn nhớ ba tháng trước đây, khi trận chiến Bình
Long mới khởi đầu, ông đã theo Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân nhảy vào thành phố An
Lộc. Buổi trưa ngày 13 tháng 4, ông đang đứng giữa đường để chụp hình xe tăng
Cộng quân tiến vào thành phố thì bị trúng đạn vào vai. Ông phải trở về Sài Gòn
dưỡng thương, và tháng 6, khi vết thương đã bớt, ông lại tìm cách trở vào An
Lộc lần nữa. Lần này, trước mắt ông, An Lộc đã là những đống gạch vụn, những
người ông gặp lần trước đa số đã chết và cả một thành phố, chỉ sau một thời
gian ngắn, đã thành địa ngục ở trần gian.
Ông ăn
nói từ tốn và tính tình rất khiêm nhượng, có vẻ là một giáo sư triết hơn là một
phóng viên chiến trường. Ông thường nói với những người quen biết:
-
Tôi không sợ nguy hiểm khi
làm phóng sự chiến trường, chỉ mong những bài viết và những hình ảnh của tôi
thu thập được phổ biến đến những người ngoài nước Việt Nam, cho họ thấy sự phi
lý và bi thảm của cuộc chiến này. Mấy ai thấy được những sợi dây xích 6 ly đã
xích chân người lính Cộng Sản vào những vũ khí nặng hoặc xe tăng của họ? Cuộc
chiến tranh nào cũng có sự tàn phá. Nhưng sự tàn phá như ở thành phố An Lộc này
là giữa những người cùng dân tộc, khác với sự tàn phá ở thành phố Hiroshima.