CỨU NGƯỜI NHƯ CỨU LỬA; CỨU LỤT BÀ CON ƠI

KIỀU MỸ DUYÊN

        

         Nhìn những tấm hình của đồng bào lênh đênh trên nước, không ai không khỏi xúc động, đồng bào của mình sao khổ quá! Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp cùng những người thiện nguyện đi cứu trợ. Đức Cha mặc áo phao, nếu ghe lật xuống nước thì người sẽ nổi lên mặt nước nhờ chiếc áo phao này. Năm nào miền Trung cũng bị lụt lội, năm nay còn thê thảm hơn. Các tỉnh Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hà Tĩnh, nhà cửa tan nát, người thì mất chồng, người thì mất cha, người mẹ ôm con trong lòng sau khi đào đất cát lên thì mẹ và con cùng chết, một gia đình không còn ai sống sót. Người thương người, người Việt ở hải ngoại gửi tiền về giúp nạn nhân bão lụt. Qua nhiều năm kinh nghiệm, tiền, mì, quần áo, thuốc men cứu trợ phải tới tay nạn nhân bão lụt không qua chính quyền. Đồng bào ở dọc theo biển, theo sông khổ nhất. Những chiếc ghe là phương tiện để mưu sinh cũng tan rã theo dòng nước lũ. Nhà sập, người di tản, ghe thuyền vỡ nát theo nước, theo bão lụt.

         Người nghèo lại nghèo thêm. Nạn nhân bão lụt chỉ mong vào lòng hảo tâm của đồng hương ở khắp nơi trên thế giới.

         Chỉ có $5 một bao gạo, ai cũng có thể giúp đỡ được nạn nhân bão lụt. Một đứa trẻ bỏ tiền vào heo đất, nhìn những hình ảnh đau thương của nạn nhân bão lụt ở quê nhà, cũng có thể lấy tiền trong heo đất ra mà cứu trợ.

         Thực phẩm cứu trợ gồm có gạo, mì gói, quần áo, thuốc men, tiền. Người nào nghèo nhất ở chốn bình yên cũng có thể cứu giúp người ở quê nhà.

         Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tôi còn nhớ quận Hải Lăng thuộc tỉnh Quảng Trị năm Thìn bão lụt, lúc chúng tôi còn là sinh viên đi cứu trợ. Nạn lụt bây giờ thê thảm hơn năm Thìn bão lụt năm xưa, bởi vì rừng bị đốn, hồ nước bị tháo,...

         Thiên tai dồn dập, tội nghiệp người dân bị đọa đày, khổ ơi là khổ. Người nghèo khổ, người nghèo ở những nơi gần biển, gần sông, đa số sống bằng nghề chài lưới, đánh cá, bắt tôm,...

         Sau nạn lụt nhà đâu để ở? Định cư ở đâu? Tiền ở đâu để làm vốn mua lại ghe nhỏ đi chài lưới?

         Xin mời quý đọc giả theo dõi cuộc phỏng vấn Kiều Mỹ Duyên với Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giáo phận Hà Tĩnh:

         - Kính chào Đức Cha, xin Đức Cha gửi lời chào đến quý khán thính giả xem đài.

         - Tôi xin gửi lời chào đến quý thính giả của đài VBS. Rất hân hạnh được gặp quý vị qua đài truyền hình. Chúng tôi cũng đã nhận được sự đóng góp, những món quà của quý vị. Nhân dịp này, thay mặt cho các nạn nhân cảm ơn và gửi lời chào đến tất cả quý vị.

         - Kính xin Đức Cha tường trình với khán giả nhiều nơi, nhiều tiểu bang Hoa Kỳ về việc cứu trợ của Đức Cha gồm những tỉnh nào, làng nào và từ ngày nào cho đến bây giờ. Dù đã có những hình ảnh rất sống động của Đức Cha cũng như các vị thiện nguyện, nhưng chưa hiểu rõ vì không có chú thích, thưa Đức Cha?

         - Chúng tôi hiện thời đang hoạt động ở tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh. Mặc dầu cũng có một giai đoạn nhỏ chúng tôi tháp tùng Đức Cha Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh và Đức Cha Đặng Đức Ngân ở Đà Nẵng. Ba anh em chúng tôi có đi một chuyến từ Đà Nẵng vào Huế, Quảng Trị rồi Quảng Bình. Từ đó đế nay, chúng tôi làm nhiều hơn tại Quảng Bình và Hà Tĩnh. Công tác cứu trợ- cứu trợ khẩn cấp- coi như đã chấm dứt hay đang chấm dứt. Bây giờ bắt đầu giai đoạn hai, đó là giai đoạn ổn định và ổn định cuộc sống cho các nạn nhân lũ lụt, trong đó có vấn đề là co nhà cửa, rồi mua lại gia súc, gia cầm và hạt giống cho họ.

         - Thưa Đức Cha, chúng con có niềm tin vào các vị lãnh đạo tinh thần là quà đến tận tay các nạn nhân, nhưng có người thắc mắc là Đức Cha có gặp khó dễ của Chính Quyền địa phương hay không? Vừa rồi nghe cô ca sĩ Thủy Tiên đi cứu trợ gặp trở ngại. Chúng con có đọc thông cáo từ Việt Nam gửi sang, tỉnh Hải Lăng, Quảng Trị gặp khó khăn, do nhà cầm quyền không cho người cứu trợ đến tận nơi phát tận tay cho đồng hương của mình. Đức Cha thấy như thế nào, thưa Đức Cha?

         - Hiện thời ở Việt Nam đã có sắc lệnh là cấm nhận quà cứu trợ nếu không qua Mặt Trận, qua Hội Chữ Thập Đỏ hay chính quyền địa phương. Sắc lệnh đó hình như vẫn còn ở một vài nơi như Hải Lăng, Quảng Trị, nơi tôi đi qua thì nghe giáo dân nói có chuyện đó. Nhưng bản thân tôi, cũng như là phái đoàn Hội Đồng Giám Mục, ở Hà Tĩnh và một số nơi khác chúng tôi chưa gặp khó khăn đó.

         - Thưa Đức Cha, Đức Cha đang giúp cho đồng bào về việc định cư sau lụt. Xin Đức Cha cho biết chương trình đó như thế nào, và nhân cơ hội này, Đức Cha có thể gửi lời đến quý khán thính giả, đồng hương của mình ở nhiều nơi, nhiều tỉnh miền Đông và miền Tây Hoa Kỳ, có những người lên Youtube hay Internet, bên Úc cũng xem, Âu Châu cũng xem. Đức Cha gửi lời đến để đồng bào mình có thể tiếp tay. Ở đây người nào cũng có thể giúp được. 1 bao gạo 10 kg ở Việt Nam $5, một đứa trẻ chừng 7- 10 tuổi có thể đổ ống heo ra giúp được nhiều gạo cho đồng bào của mình, thưa Đức Cha?

         - Cảm ơn chị Kiều Mỹ Duyên đã cho chúng tôi có cơ hội để qua làn sóng, tiếng nói của chúng tôi đến được đồng bào nhiều nơi. Đó là sự hân hạnh. Xin chân thành cảm ơn. Trở lại câu chuyện hậu cứu lụt, ổn định cuộc sống, tái thiết nhà cửa, lo hạt giống, lo gia súc, gia cầm cho người dân. Đó là câu chuyện chúng tôi đã đi khảo sát, để rồi phân loại những công tác lớn, chẳng hạn như là di dời một số hộ nằm ở vùng ven sông hay bị sạt lở do núi. Do núi là vì trong thời gian mấy chục năm vừa rồi, họ chặt phá rừng để trồng keo. Cây keo là cây phá môi sinh rất nhiều. Chính vì vậy đã gây ra sạt lở khắp nơi như đồng bào đã thấy, quý vị đã thấy, những nơi đó phải di dời. Công tác di dời rất tốn kém và cũng đòi hỏi nhà nước phải cấp đất, cấp chỗ cho người dân có thể đến nơi ở mới. Lúc này, chúng tôi cũng đang gặp khó khăn và phải kiên nhẫn để kiếm được vùng đất ổn định cho dân, để di dời nhà họ, xây dựng cuộc sống mới cho gia đình họ. Điểm thứ hai nữa là xây những căn nhà vượt lũ. Tức là, người dân đang sống trong những căn nhà ở vùng trũng, họ phải sống chung với lũ từ đời nọ đến đời kia, họ cũng không rời khỏi vùng đó. Một số gia đình đã xây nhà lầu thì họ có thể được an cư, khi lũ đến, họ lên trên lầu thì không sao cả. Nhưng mà có những gia đình nghèo sống trong những căn nhà xuềnh xoàng, nhà cấp 4 thì phải cần có những căn nhà đa năng hay nhà vượt lũ, vừa là trung tâm dạy học, dạy giáo lý, sinh hoạt. Trên tầng hai, khi có lũ đến thì đó là trung tâm vượt lũ, trung tâm cứu những người nghèo, những người già, trẻ em được đến đó để được an toàn. Chúng tôi hiện thời cũng đã và đang tiếp tục xây dựng một số căn nhà đa năng, căn nhà vượt lũ đó tại những địa điểm, tại những vùng lũ và tại những nơi người dân phải sống chung với lũ. Một số nơi khác may mắn hơn có đất để họ có thể di dời lên cao, thì giúp họ để họ nâng nhà của họ lên một chỗ cao hơn để họ an cư rồi mới lạc nghiệp. Ngoài ra, trong thời gian vừa rồi, giống lúa thóc bị hư hại rất nhiều, gia cầm, gia súc bị chết. Đây cũng là một vấn đề cần giúp họ là làm sao giúp họ bắt đầu cuộc sống mới trong mùa tới, tron những tháng tới. Đó là đại khái những vấn đề mà chúng tôi đưa ra trong chương trình hậu cứu lụt để họ tái định cư, an cư lạc nghiệp, để làm lại cuộc sống, để cùng dân tổ chức lại cuộc sống của họ.

         - Kính thưa quý khán thính giả, đó là lời tâm huyết của Đức Cha Nguyễn Thái Hợp. Đức Cha Nguyễn Thái Hợp đã sống rất lâu ở Thụy Sĩ cũng như ở Vatican. Ngài đi khắp nơi, và trở về Việt Nam ở một nơi khổ thật khổ. Quý vị có về Hà Tĩnh, miền Trung, quý vị nào có trái tim hướng về miền Trung hoặc có cha mẹ, anh em , bà con ở miền Trung, sẽ thấy miền Trung lụt lội quanh năm khổ lắm. Kính thưa Đức Cha, nếu đồng bào muốn giúp thì ở đây có đài truyền hình của Đức Cha giám đốc đài Joseph Nguyễn Ngọc Chuẩn. Khi biết đồng bào mình khổ quá thì mọi người ở đây sẽ mở lòng. Xin Đức Cha cho biết thêm email hay website nào về tin tức cứu trợ để mọi người có thể giúp đỡ?

         - Chúng tôi chưa thấy trận lụt nào mà người Việt Nam giúp nhau nhiều như lần này. Số đoàn đi cứu trợ, số đoàn hướng về miền Trung, những chuyến xe từ Sài Gòn chạy ra miền Trung, từ Hà Nội, miền Bắc đi vào miền Trung,... Chúng tôi thấy lần này, số xe, số đoàn ra miền Trung cứu trợ gấp ba lần so với các trận lụt trước đây. Đa số những chuyến xe đó hầu hết là của tư nhân. Họ đi, họ muốn trao tận tay những món quà của họ. Nhiều khi đó là một nhóm bạn bè, một thôn xóm, một họ đạo, họ thu được rồi họ đi ra. Chúng tôi thấy rất là cảm động và biết ơn. Tôi vẫn nói là lá lành đùm lá rách. Có những trường hợp, thì không những lá lành đùm lá rách mà lá rách ít đùm lá rách nhiều. Nhiều khi, chính những người ở bên cạnh, của những làng bên, những xứ đạo cũng bị lũ lụt, nhưng chính họ lại đi cứu trợ những người bên cạnh. Lá rách ít đùm lá rách nhiều, lá rách tơi tả đùm nhau. Tôi rất cảm động trước tình cảm đó, mà hoàn toàn là do tư nhân, do sự bộc phát của người dân.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 27 tới đây có tổ chức một đêm văn nghệ lấy tên là " Gánh nhau trong đời". Có những người giàu hơn gánh những người nghèo, trong cuộc đời rất cần thế này. Nhiều lần cũng có những người nghèo gánh nhau và gánh nhau trong đời. Tôi thấy ý nghĩa đó rất hay, đượm tình người. Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác tỉnh, khác nơi nhưng ta cùng chung một dân tộc, một dòng máu. Ước mong rằng kẻ ít người nhiều, chúng ta cùng nhau gánh nhau trong đời và chắc chắn rằng chúng ta giúp nhau chừng đó, lá lành đùm lá rách thì những nạn nhân ấm lòng hơn. Tôi hy vọng họ sẽ làm lại cuộc đời.

         - Kính thưa Đức Cha, sau đây là câu hỏi của Trung Dương (MC đài): Một số quý đồng hương quyên góp Đức Cha, họ thắc mắc đây là do bên tôn giáo quyên góp số tiền này, và cha có chuyển đến những nơi khác không? Đức Cha giúp cho toàn bộ miền Trung hay một vài tỉnh, thưa Đức Cha?

         - Tôi hiện thời phụ trách Hà Tĩnh và Quảng Bình. Chúng tôi với tư cách Hội Đồng Giám Mục, chúng tôi đã đi một chuyến thăm viếng từ Quảng Nam đến Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị rồi Quảng Bình, Hà Tĩnh. Chúng tôi chia ra làm việc ở mỗi vùng.Tôi đi nhiều ở Quảng Bình và Hà Tĩnh, nơi mà tôi có trách nhiệm. Chúng tôi đã nhận được nhiều món quà do cha Chuẩn chuyển tới. Có lẽ để dễ hơn, quý vị nên gửi về Đài VBS 57.6. Từ đài, cha Chuẩn sẽ chuyển lại cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ phúc đáp khi chúng tôi nhận được. Nếu chuyển về Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Trị thì đài cũng làm được. Nhắn tin cho chúng tôi ở Quảng Bình và Ha Tỉnh. Hãy gửi cho cha Chuẩn rất là đảm bảo. Chúng tôi trong tin thần lá lành đùm lá rách, nếu ở Quảng Nam đang bị lũ lụt nhiều hơn thì chúng tôi cũng sẽ chuyển đến những người nghèo bất phân tôn giáo, bất phân vùng đất.

         - Chúng con chân thành cảm ơn Đức Cha đã trình bày rất tỉ mỉ về việc cứu trợ.

         - Tôi cảm ơn chị Kiều Mỹ Duyên và cha Chuẩn. Qua Đài, chúng tôi chân thành cảm ơn tất cả những ân nhân xa gần, những người ẩn danh, những người tôi chưa biết tên và chưa từng gặp mặt, nhưng đã giúp đỡ chúng tôi để chúng tôi có thể đưa những món quà của quý vị cho những người bị nạn, những nạn nhân của lũ lụt, bất phân tôn giáo, bất phân công việc, điều kiện xã hội.

         - Kính thưa Đức Cha, ngày 26 đây là ngày lễ Tạ Ơn của nước Mỹ. Chúng con nhân cơ hội này, xin tạ ơn Đức Cha đã lo cho các nạn nhân bị lũ lụt. Đức Cha cho chúng con có cơ hội được tiếp tay với Đức Cha. Xin Thiên Chúa ở cùng Đức Cha, xin Ngài phù hộ cho Đức Cha. Kính chúc Đức Cha thật nhiều sức khỏe để lo cho các nạn nhân. Xin ơn trên ban cho những người có lòng thiện nguyện. Quý đồng hương nếu có nghe lời Đức Cha Nguyễn Thái Hợp từ Hà Tĩnh, thấy thảm cảnh vẫn còn kéo dài sau khi lụt qua rồi, đồng bào mất nhà cửa, mất trâu bò, thuyền ghe, mất người thân,... xin hãy đóng góp của ít lòng nhiều. Xin Đức Cha cho đồng bào của mình đang là nạn nhân và quý đồng hương có lòng hảo tâm.

         - Xin Chúa là Đấng toàn năng, xin Ngài luôn luôn nhớ đến chúng con và xin Ngài cũng nhớ đến một số anh chị em chúng con đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn, đang sống trong những nơi mà người ta vẫn nói:

Quê hương tôi gạt sỏi tìm cơm,

Hết mưa thôi hạn lại cơn bão gần.

         Xin Ngài giúp cho những người con đó sớm an cư lạc nghiệp. Và xin Ngài nâng đỡ những cảnh đời tan nát vì bão tố, vì lụt lội, vì bất công, vì đói nghèo. Xin Ngài cho họ luôn luôn cảm thấy tình người, được sưởi ấm bởi tình người cũng như là được bàn tay che chở của Ngài. Amen.

         Quý thính giả vừa nghe cuộc phỏng vấn của Kiều Mỹ Duyên với Đức Giám Mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp ở Hà Tĩnh. Nếu quý đồng hương cần giúp đỡ nạn nhân bão lụt ở các tỉnh miền Trung, xin liên lạc với chúng tôi. Chúng tôi sẽ cho quý vị email của Đức Cha, quý vị có thể liên lạc thẳng về trong nước. Tiền cứu trợ của quý vị nhất định sẽ tới tay đồng bào nạn nhân của lũ lụt.

         Xin Thượng Đế ban phúc lành cho quý vị lãnh đạo tinh thần, quý ân nhân, quý đồng hương nạn nhân của bão lụt có một đời sống an bình và hạnh phúc.

 

Orange County, 25/11/2020

KIỀU MỸ DUYÊN

(kieumyduyen1@yahoo.com)

 

 

 

nth0.jpg

Đức GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp thăm và cứu trợ đồng bào vùng bị lũ lụt tại Quảng Bình 20/10/2020

 

 

phaolo ng thai hop.jpg

Đức GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp thăm và cứu trợ đồng bào vùng bị lũ lụt tại Quảng Bình 20/10/2020

 

NTH3.jpg

Đức GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp thăm và cứu trợ đồng bào vùng bị lũ lụt tại Quảng Bình 20/10/2020

 

 

 

HDGMVN-133.jpg

Đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam thăm, cứu trợ tại Giáo phận Hà Tĩnh 21/10/2020

 

NTH 9.jpg

Ngày 21.10.2020, phái đoàn Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tiếp tục hành trình chia sẻ tình thương của những vị Mục tử đến với quý anh chị em miền Trung tại Giáo xứ Mỹ Chánh và Giáo xứ Trung Quán, Hà Tĩnh

 

 

 

 

 

NTH- QB.jpg

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp thăm và hỗ trợ tái thiết cuộc sống sau lũ lụt tại Quảng Bình ngày 01/11/2020 đến thứ Ba ngày 3/11/2020

 

nth.jpg

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp thăm và hỗ trợ tái thiết cuộc sống sau lũ lụt tại Quảng Bình ngày 01/11/2020 đến thứ Ba ngày 3/11/2020

 

1603838496568blob.jpg

Thảm cảnh, mẹ ôm con chết sau khi được đào lên từ bùn đất.

 

 

1603838381859blob.jpg

Nhà cửa chìm trong biển nước

 

 

 

1603838341601blob.jpg

Nhà cửa chìm trong biển nước