Cuộc Chiến Miền Tây

Kiều Mỹ Duyên

 

Mỗi tòa soạn của báo dân sự được Bộ Tổng Tham Mưu cấp cho hai thẻ “phóng viên chiến trường”. Những người do tòa soạn đưa tên đều được An Ninh Quân Đội điều tra lý lịch rất kỹ càng trước khi trình lên Bộ Tổng Tham Mưu. Thẻ của phóng viên chiến trường có hai mặt, một mặt tiếng Việt, và một mặt tiếng Anh, cùng nghĩa: “Các đơn vị quân đội kể cả quân đội đồng minh giúp đỡ mọi phương tiện di chuyển, thực phẩm cũng như chỗ ăn, chỗ ở cho phóng viên này”.

Trên nguyên tắc là vậy, nhưng không phải bất cứ lúc nào và ở đâu, cứ chìa thẻ báo chí ra là có phương tiện ngay cho mình. Phương tiện di chuyển, nhất là máy bay quân sự, lúc nào cũng ưu tiên cho hành quân, tải thương, tiếp tế…còn dư ra mới có chỗ cho phóng viên. Phương tiện của quân đội mình lại eo hẹp, nhiều lúc phải nhờ vả bên quân đội đồng minh, hoặc là những người mình quen biết thì dễ dàng hơn.

Tháng 3 năm 1971, tôi xin trực thăng từ Sài Gòn về Cần Thơ. Đây là lần thứ tư tôi về làm phóng sự ở miến Tây, một miền trù phú và có cuộc sống tương đối bình yên nhất ở miền Nam trong suốt mấy mươi năm chiến chinh đằng đẵng. Kể từ ngày Cộng Sản Bắc Việt đưa quân vào xâm lấn miền Nam, họ thừa hiểu rằng, miền Tây là kho lương thực trời cho vô tận, vậy mà họ không thể đụng đến, không thể xâm nhập, quấy rối nhiều như các vùng khác. Và đó cũng là một trong những câu hỏi chính của tôi trong lần về miền Tây này.

Đến phi trường Cần Thơ, có xe đón và đưa tôi đi thăm một vài nơi đã định trước. Xe jeep mượn của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chức, Cục Trưởng Cục Công Binh. Tướng Chức đang có mặt ở vùng IV, nên tôi liên lạc trước từ Sài Gòn để nhờ phương tiện. Tôi quen biết Tướng Chức từ lúc ông còn là Thiếu Tá Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 30 Công Binh Chiến Đấu đóng ở Hóc Môn. Lúc đó tôi là Hội Trưởng Hội Sinh Viên Học Sinh Hóc Môn, hội đã thăm viếng và ủy lạo các gia đình binh sĩ của Liên Đoàn 30 khi trại gia binh của liên đoàn bị pháo kích.

Tôi đi theo một đại đội Chiến Tranh Chính Trị vào những làng xã nằm xa thành phố, những nơi mà người ta gọi là vùng xôi đậu để quan sát tình hình sinh hoạt, trong lúc các cán bộ Chiến Tranh Chính Trị khám bệnh, phát thuốc và quà cho đồng bào.

Buổi chiều trở về Cần Thơ, tôi nhờ tùy viên của Tướng Chức đưa vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV để xin phỏng vấn Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV có lẽ trầm lặng hơn các Quân Đoàn khác. Không có cảnh phóng viên chiến trường trong và ngoài nước vô ra Phòng Báo Chí một cách tấp nập để xin phương tiện ra trận tuyến hoặc thu lượm tin tức chiến sự. Cũng không có những cuộc hội họp tham mưu khẩn cấp bởi tình ình chiến sự trong vùng. Có thể nói người ta nhìn thấy ở đây cái vẻ thanh bình của những năm đầu thập niên 60.

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng vừa bay thị sát mặt trận trở về. Đó là một trong những việc làm đều đặn mỗi ngày, khi còn ở Vùng I đầy sôi động cho đến lúc đổi về Vùng IV, ông cũng không thay đổi phương thức làm việc của ông chút nào. Mặc dù mới trở về sau một ngày mệt nhọc, Tướng Trưởng vẫn ngồi lắng nghe từng câu hỏi của người đối diện.

Tôi đi thẳng vào vấn đề:

-         Thưa Trung Tướng, hôm nay tôi xin được phỏng vấn Trung Tướng về vấn đề bình định và phát triển ở Vùng IV.

Khi mở đầu để xin phỏng vấn một lãnh vực thuộc về hành chánh dân sự với một vị tướng mà danh tiếng có được bằng vào những chiến công trên trận mạc, tôi nghĩ rằng ông sẽ buồn nản khi trả lời những câu hỏi về vấn đề này. Nhưng ngược lại, ngoài điều dự đoán của tôi, Tướng Trưởng cười vui vẻ:

-         Nhà báo nào, kể cả nhà báo ngoại quốc, khi gặp tôi ai cũng hỏi về chiến trận, cô là người duy nhất quan tâm và hỏi về vấn đề bình định phát triển.

Tôi khởi đi từ nguyên nhân:

-         Thưa Trung Tướng, Cộng Sản Bắc Việt biết miền Tây là một kho lương thực đầy ắp và rất them muốn nguồn tiếp liệu này, nhưng tại sao họ không thành công ở miền Tây?

Giọng của Tướng Trưởng trầm ấm, rõ ràng và nhỏ nhẹ. Những người làm việc với ông qua một thời gian lâu, chưa bao giờ nghe ông lớn tiếng dù là ngay những lúc có điều gì không vừa ý:

-         Chiến tranh Việt Nam phải lấy xã ấp làm nền tảng. Xã ấp vững thì ở trên mới vững. Xã ấp là nến móng, nền móng chắc thì những xây dựng ở trên mới bền.

-         Thưa Trung Tướng, muốn giữ yên xã ấp phải có một lực lượng quân đội mạnh để hỗ trợ. So với các vùng khác, Vùng IV không có nhiều đơn vị chủ lục trấn đóng, nhưng tình hình lại yên ổn hơn các vùng khác?

-         Miền Nam có 1 triệu 100 ngàn quân, trong đó có 500 ngàn Địa Phương Quân, Nghĩa Quân. Thường thường người ta đề cao đến chủ lực quân mà quên lãng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân là một lực lượng đã góp sức rất nhiều trong việc bảo vệ lãnh thổ. Người lính Nghĩa Quân, Địa Phương Quân chiến đấu trong âm thầm, những công lao của họ ít người biết đến. Quyền lợi của họ cũng chẳng được bao nhiêu so với chủ lực quân, nhưng họ đã góp phần rất nhiều vào trong cuộc chiến. Để trả lời một phần nào câu hỏi vừa rồi, tôi kể cho cô nghe chuyện nà.

Lúc mới về nhậm chức Tư Lệnh Vùng IV, liên tiếp trong mấy tháng liền, mỗi buổi sáng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đọc báo cáo về tình hình và kết quả chiến trận trong đêm qua, đều thấy báo cáo của quận Chương Mỹ, tỉnh Chương Thiện là tỉnh có nhiều Việt Cộng xâm nhập quấy phá. Những báo cáo của quận này đều ghi chiến công bắt được Việt Cộng, lấy được vũ khí, và đêm nào cũng vậy.

Trung Tướng Trưởng kể lại chuyện đó cho Thiếu Tướng Macown, Cố Vấn Trưởng của Quân Đoàn IV. Và một ngày không báo trước, hai vị tướng lãnh cùng bay xuống thăm quận Chương Mỹ. Tướng Trưởng nói với viên quận trưởng là ông muốn gặp người đã lập nhiều chiến công như trong báo cáo của quận.

Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân Nguyễn Văn Mới được lệnh trình diện. Trước mặt hai vị tướng, một ông già quắc thước, tóc bạc phơ, râu cũng bạc trắng và dài xuống ngực. Dáng người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hai mắt còn tinh anh, mặc một bộ đồ trận cũ đã bạc màu và gần sờn rách. Ông cụ khoảng 65 tuổi, chỉ huy một toán Nghĩa Quân 20 người đã lập nhiều chiến công nhất trong tỉnh Chương Thiện. Việt Cộng nghe đến tên là phải gờm và đã nhiều lần lên án ông.

Trung Tướng Trưởng rất ngạc nhiên lẫn cảm phục. Ông chân thành khen ngợi và gắn huy chương cho ông Mới. Tiếp theo, Thiếu Tướng Macown cũng gắn huy chương của quân đội Hoa Kỳ cho ông, với sự kính trọng lòng yêu quê hương và tinh thần anh dũng của một chiến sĩ lão thành như người Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân quận Chương Mỹ này.

Tôi không bao giờ có thể nghĩ rằng, một vị Tư Lệnh Quân Đoàn lại chịu khó ngồi đọc những tờ báo cáo hàng ngày từ một quận lỵ nhỏ bé trong vùng của mình. Không những đọc và còn ghi nhận để theo dõi và tưởng thưởng những người có công một cách xứng đáng. Tôi đã nhiều lần theo chân Tướng Trưởng đi thăm những tiền đồn heo hút ngoài Vùng I, và cũng đã nhiều lần phỏng vấn ông, nhưng cho đến hôm nay tôi mới hiểu thêm một điều: Tướng Trưởng không phải đơn thuần là một viên tướng của trận mạc, ông còn là một nhà tâm lý, một chính trị gia và một nhà lãnh đạo giỏi.

Có lẽ Tướng Trưởng cũng biết tôi đang ngạc nhiên vì câu chuyện ông vừa kể, ông nói tiếp:

-         Ngay sau đó, tôi gọi cho Thiếu Tướng Trần Văn Trung, Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị để đề nghị đăng hình ông Nguyễn Văn Mới vào bìa của báo Chiến Sĩ Cộng Hòa số tới và đề cử ông vào phái đoàn chiến sĩ xuất sắc được đi thăm Đài Loan.

Nếu cô muốn biết chi tiết về phái đoàn chiến sĩ xuất sắc đi Đài Loan, cô nên gặp Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh, ông là trưởng phái đoàn trong chuyến đi thăm Đài Loan.

Tướng Trưởng trở lại vấn đề và nhấn mạnh:

-         Từ trước đến nay, tôi vẫn đặc biệt chú ý đến thành phần Nghĩa Quân, Địa Phương, họ rất can đảm, hy sinh âm thầm, là những người hết sức nhiệt tình với đất nước, như ông Mới, một anh hùng mà mấy ngườ biết đến.

-         Thưa Trung Tướng, ai là người đặc trách về vấn đề bình định và phát triển ở Vùng IV?

-         Thiếu Tướng Hinh, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn. Tướng Hinh là một người tham mưu giỏi, kế hoạch rất hay. Ông hết sức nhiệt tình với đất nước. Mười sáu tỉnh miền Tây này được yên ổn là nhờ có Tướng Hinh. Những kết quả về chương trình bình định và phát triển có được hôm nay là của ông.

Hôm đó tôi không được gặp Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh ở Cần Thơ. Sau này mới có dịp hỏi thêm chuyện người Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân của quận Chương Mỹ và chương trình Bình Định Phát Triển của Vùng IV. Tướng Hinh vui vẻ kể lại chuyện ông hướng dẫn phái đoàn chiến sĩ xuất sắc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua thăm viếng Đài Loan:

-         Đến Đài Loan, phái đoàn được tiếp đón rất nồng hậu. Mọi người được choàng vòng hoa tại phi trường và được nhiều nhân vật như Tổng Trưởng Quốc Phòng Tưởng Kinh Quốc, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của Đài Loan tiếp đón. phái đoàn được đi thăm các cơ sở quân sự, thắng cảnh và dự nhiều buổi thuyết trình. Ngày hôm sau, Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng của Quân Đội Đài Loan tiếp đón và nói chuyện. Từ bàn chủ tọa trong hội trường nhìn xuống, vị Đại Tướng thấy ở hàng ghế của chiến sĩ xuất sắc, có một chiến sĩ già râu tóc bạc phơ, liền bước xuống đến trước mặt chào hỏi và nắm tay đưa lên ngồi bên cạnh ghế của Đại Tướng. Người được cái vinh dự đó chính là ông Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân Nguyễn Văn Mới. Phái đoàn có 10 người. Vùng IV chỉ có Thiếu Tướng Tư Lệnh Phó Quân Đoàn Nguyễn Duy Hinh và Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân Nguyễn Văn Mới.

Khi trở về, ông Mới có xin vào gặp Tướng Trưởng để cám ơn. Tướng Trưởng nói với ông:

-         Tôi không ban ân huệ gì cho ông cả. Tất cả những gì ông được ngày hôm nay là do chính ông làm ra.

Người lính già rất xúc động, ông nói:

-         Tôi xin hứa với Trung Tướng, từ nay sẽ không có  một tên Việt Cộng nào trong xã của tôi nữa.

Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh vào Nam năm 1951. Ông xuất thân từ khóa I Nam Định. Với chức vụ Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV, ông đặc trách về vấn đề Bình Định Phát Triển của miền Tây. Người ta nói Tướng Trưởng và Tướng Hinh làm việc với nhau rất ăn ý. Tôi hỏi Thiếu Tướng Hinh:

-         Thưa Thiếu Tướng, yếu tố nào làm cho Thiếu Tướng đạt được kết quả tốt đẹp trong chương trình Bình Định Phát Triển của Vùng IV?

Thiếu Tướng Hinh đáp:

-         Sau biến cố Mậu Thân 1968, Việt Cộng bị tổn thất nặng nề, nên khi mình phát động chiến dịch Bình Định Phát Triển, các xã ấp được yên ổn, mình nắm được tình hình, dân theo mình và địch bị đánh lui qua biên giới. Lúc ở ngoài Bắc, tôi đã biết rõ Cộng Sản, có kinh nghiệm với Cộng Sản thời chống Pháo, đã thấy rõ cách tổ chức và đường lối của Cộng Sản.

Một điều khác nữa là Tướng Trưởng và tôi làm việc với nhau rất hợp. Bởi vậy, kế hoạch nào cũng không gặp trở ngại.

-         Thưa Thiếu Tướng, người lính Địa Phương Quân, Nghĩa Quân đóng một vai trò như thế nào trong chương trình Bình Định Phát Triển ở miền Tây này?

-         Miền Tây không có những trận đánh lớn vì những đại đơn vị của Cộng quân không xâm nhập được và đó chính là công lao của những người lính Địa Phương Quân, Nghĩa Quân. Họ chiến đấu cho quê hương và bảo vệ cho chính gia đình của họ đang sinh sống tại đó. Như ông Nguyễn Vă Mới, không phải chính mình ông là chiến sĩ, mà cả gia đình ông đều là những chiến sĩ chống Cộng.

Tại miền Tây, Địa Phương Quân lập được nhiều chiến công đáng kể, như mặt trận U Minh, mặt trận Đồng Tháp. Và đặc biệt, ở miền Tây, Địa Phương Quân không phải chỉ hoạt động tại địa phương theo nguyên tắc, đôi lúc gánh vác, tram chỗ cho các đơn vị chủ lực phải tăng viện đến những nơi chiến trường đang sôi động.

Người ta thường nói, 3 yếu tố để thành công: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Theo như những điều mà Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh cho biết, thì rõ ràng Vùng IV đã đạt được hai: miền Tây là đồn bằng, không có rừng núi, nên dễ kiểm soát, đó là địa lợi. Người dân tin tưởng vào chính quyền, đó là nhân hòa. Cuộc chiến miền Tây là cuộc chiến nặng về chính trị hơn quân sự.