Chiều mưa trên đồi sim
Kiều Mỹ Duyên
Đến Huế được vài hôm, tôi nghe
tin Trung Tá Võ Nhơn đã gục ngã trên cồn cát trắng trong vùng đất Quảng Trị khi
ông chỉ huy đơn vị anh dũng tả xung hữu đột với đoàn chiến xa của Cộng quân.
Nhớ cách đây đã lâu lắm, một lần
tôi đến thăm Tiểu Đoản 34 Biệt Động Quân đang đóng ở Lộc Giang. Tối hôm trước
khi thôi đến, một Trung đoàn cộng quân về vây đánh đồn Lộc Giang. Tiểu Đoàn bị
đánh trong lúc Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng đang đi phép. Thiếu Tá Tiểu Đoàn Phó
đang nằm bệnh viện. Hai Đại Đội Biệt Động Quân đã ra khỏi đồn đi hành quân xa.
Chỉ còn hai đại đội mà phải chống cự với một trung đoàn địch quân. Trung Tá
Nhơn lúc đó còn là Trung Úy Nhơn, Đại Đội Trưởng, đã điều động đơn vị thiết
giáp yểm trợ bên ngoài vào phối hợp đẩy lui quân địch. Trận chiến kéo dài suốt
đêm, đồn Lộc Giang chìm trong lửa đạn. Sáng hôm sau, địch rút lui và để lại
hàng trăm xác cùng vũ khí cá nhân ngổn ngang trên các vòng rào phòng thủ của
đồn.
Trung Tướng Phan Trọng Chinh,
hồi đó là Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 25 Bộ Binh cùng Đại Tá Mã Sanh Nhơn, Tỉnh
Trưởng kiêm Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 49 Bộ Binh, đến tận đồn Lộc Giang, Hậu
Nghĩa khen thưởng chiến công. Tôi cũng đến thăm đồn đúng sáng hôm đó.
Trung Úy Nhơn đội mũ rộng vành
ra đón và đưa tôi vào phòng hành quân diễn tả lại chi tiết trận đánh đêm qua.
Sau đó hướng dẫn cho tôi đi quan sát chung quanh đồn, chỉ rõ những hướng tấn
công của địch, giải thích sự phòng thủ của Biệt Động Quân và hướng tấn công của
Thiết Giáp vào địch quân như thế nào.
Buổi trưa hôm đó, chị Nhơn mời
tôi ăn cơm với vợ chồng chị tại đồn. Đời lính, mấy khi được ăn bữ a cơm ngon
hay ngủ một giấc ngủ yên trong căn nhà của mình. Chúng tôi ngồi ăn cơm trong
hầm sâu dưới đất, hầm rất kiên cố, vì đây là một nơi được Cộng quân thường xuyên
về thăm hỏi. Anh chị Nhơn cùng quê ở xứ Huế. Anh Nhơn xuất thân từ khóa 17 Võ
Bị Đà Lạt. Tôi nghe nói hai khóa 16 và 17 của trường Võ Bị Đà Lạt đã đào tạo
nhiều sĩ quan rất anh hung trên chiến trường hồi đó, và một số cũng đã oanh
liệt đền nợ nước khi tuổi đời còn quá trẻ.
Đó là lần đầu tiên cũng là lẩn
cuối cùng tôi gặp anh Nhơn. Sau này có nhiều lần tôi đi làm phóng sự chiến
trường với nhiều đơn vị Biệt Động Quân, nhưng không có dịp nào gặp lại anh chị.
Thỉnh thoảng gặp những người quen chuyển lời anh chị hỏi thăm tôi. Cho đến hôm
nay, hơn 7 năm sau, vừa đặt chân đến Huế, quê hương của anh chị, thì đã nghe
tin anh gục ngã một cách anh dũng tên chiến trường Trị Thiên.
Tình cờ gặp Thiếu Tá Bá, Tiểu
Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 10 Chiến Tranh Chính Trị mới biết Trung Tá Võ Nhơn là
cháu của ông. Thiếu Tá Bá hỏi tôi:
-
Võ Nhơn là cháu của tôi, cô
muốn đến thăm tiểu đoàn của Nhơn thì tôi đưa cô đi.
Thiếu
Tá Bá nhắc lại một vài kỷ niệm với Trung Tá Võ Nhơn trong tình chú cháu một
cách xúc động. Cùng với một phóng viên nữa của báo Sóng Thần, chúng tôi theo
Thiếu Tá Bá lên Văn Thánh là nơi đang dừng quân của Liên Đoàn I Biệt Động Quân.
Từ Huế, con đường dẫn lên Văn Thanh chạy vòng vòng theo bờ tả ngạn của sông
Hương, qua làng Kim Long, nơi có những cô gái nổi tiếng đẹp nhất đất Thần Kinh,
đủ sức thu hút một vị vua đa tình dám bỏ cả ngai vàng đi theo tiếng gọi của con
tim:
Kim Long có gái mỹ miều
Trẩm
thương, trẩm nhớ, trẩm liều, trẩm đi
Qua
khỏi Kim Long là chùa Thiên Mụ, nơi mà ngày xưa truyền thuyết cho rằng Chúa
Nguyễn đã được một người đàn bà từ trên trời hiện xuống chỉ điểm cho việc lập
nên đế nghiệp của mình.
Qua
khỏi chùa Thiên Mụ là đã ra ngoại ô của thành phố Huế. Khung cảnh như bỗng
nhiên mở rộng với những ngọn đồi tiếp nối nhau, những đồi sim, cùng một màu
tím, màu tím hoa sim. Và đây là Văn Thánh, nơi dưỡng quân của Liên Đoàn I Biệt
Động Quân. Bộ Chỉ Huy của Liên Đoàn đóng ở Văn Thánh, còn các tiểu đoàn, mỗi
tiểu đoàn đóng dưới chân của một đồi sim.
Liên
đoàn I đang dưỡng quân, bổ xung quân số và đặc biệt huấn luyện về kỹ thuật bắn
chiến xa để chờ ngày phản công tái chiếm Quảng Trị. Xe chạy vòng vòng qua những
ngọn đồi. Tiếng súng từ những toán đang thi tác xạ do Liên Đoàn tổ chức vang
vọng một vùng đồi núi. Bóng dáng của những người chiến binh mặc áo hoa rừng di
chuyển trên những đồi sim làm cho tôi chợt nhớ đến người chú của tôi. Ngày xưa,
lúc chú tôi còn sống, ông cũng mặc áo hoa rừng, cũng dạy cho tôi bắn súng ở
rừng Châu Hiệp.
Chúng
tôi đến thẳng nơi Liên Đoàn tranh giải tác xạ. Các đơn vị đang thi tài một cách
hào hứng. Tranh giải với đủ mọi loại súng, súng Colt, súng M16, súng M72… Tôi
trình bày với Trung Tá Liên Đoàn Trưởng ý định muốn biết thêm chi tiết về cái
chết của Trung Tá Võ Nhơn. Trung Tá Liên Đoàn Trưởng cho lệnh các đơn vị tạm
ngưng tranh tài để nghỉ ngơi chốc lát.
Trong
khoản thời gian ngắn đó, trên đồi sim này, ngày hôm nay tôi có dịp gặp lại và
trò chuyện với nhiều người mà ngày sưa tôi đã quen trong những lần đi ủy lạo
với các phái đoàn. Như Thiếu Tá Hoàng Phổ, ngày trước là Đại Úy Hoàng Phổ, Tiểu
Đoàn Trưởng Tiều Đoàn 37 Biệt Động Quân, tiểu đoàn này đã lừng danh với trận
đánh ở Khe Sanh hồi năm 1968.
Khe
Sanh là một thung lũng nằm về phía cận Bắc của tỉnh Quảng Trị. Từ năm 1962, Hoa
Kỳ đã chọn Khe Sanh để lập một căn cứ hỏa lực hầu cắt đứt con đường tiếp tế của
Cộng quân từ Bắc và Nam qua Lào. Trong những lúc mức độ của cuộc chiến cao
nhất, quân số của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trấn đóng tại đây đã lên đến 6000
người và đơn vị chủ lực là Trung Đoàn 26 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.
Cộng
quân nhất quyết san bằng căn cứ hỏa lực này, cho nên trước Tết Mậu Thân, địch
đã điều động Sư Đoàn 304 và Sư Đoàn 325 tổng cộng khoản 20 ngàn quân bao vây
căn cứ Khe Sanh để tạo ra một Điện Biên Phủ thứ hai. Đồng thời hai Sư Đoàn 320
và Sư Đoàn 324 của Cộng quân cũng sẵn sang tiếp chiến ở mặt trận này. Ngày 21
tháng 1 năm 1968, Cộng quân bắt đầu cuộc tấn công bằng những trận mưa pháo và
xung phong đánh đồi 861 Nam (có hai ngọn đồi 861: đồi 861 Bắc và đồi 861 Nam).
Ngày 27
tháng 1, đúng một tuần sau ngày Cộng quân khởi sự tấn công, Tiểu Đoàn 37 Biệt
Động Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa do Đại Úy Hoàng Phổ chỉ huy được
chuyển vận tới Khe Sanh và trấn đóng mặt Đông của phi đạo. Cuộc chiến diễn ra
vô cùng khốc liệt. Đại Úy Hoàng Phổ và Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân đã lập nhiều
chiến công trong phần tuyến phòng thủ của mình và khiến cho quân đội đồng minh
phải khâm phục trước sự chiến đấu dũng cảm của người lính miền Nam Việt Nam.
Trong
trận này, tất cả chiến sĩ của tiểu đoàn đều được lên một cấp, chỉ trừ Đại Úy
Tiểu Đoàn Trưởng không những không được lên lon mà còn bị mất chức Tiểu Đoàn
Trưởng vì đã cãi lại lệnh của một tướng Mỹ trong cuộc hành quân hỗn hợp
Việt-Mỹ.
Sau đó
Đại Úy Hoàng Phổ được thuyên chuyển về làm huấn luyện viên ở quân trường Dục
Mỹ. Tôi biết được điều này vì Tết năm đó, tôi ở trong phái đoàn của nữ sinh
viên Sài Gòn đi cùng Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân đến thăm trường Dục Mỹ. Tôi rất
ngạc nhiên khi thấy một sĩ quan trẻ, xuất thân từ Võ Bị Đà Lạt, khóa 17, nhiều
khả năng trên chiến trận, lại về làm huấn luyện viên ở trường. Hỏi thăm mới
biết sự tình như thết.
Một
thời gian sau, một lần đi làm phóng sự chiến trường ở Cao Nguyên Trung Phần, từ
trực thăng nhảy xuống ngay rừng Benhet, nơi cánh quân của Biệt Động Quân đang
lùng địch, tôi gặp lại Đại Úy Hoàng Phổ, lúc đó ông đang cầm một tiểu đoàn.
Đúng là cánh chim bằng đã đến ngày gặp gió. Và hôm nay, đứng trên đồi sim này,
ông là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân, một đơn vị như có
cơ duyên với người sĩ quan nhiều khả năng và đầy nhiệt huyết trong binh nghiệp.
Sinh trưởng và lớn lên ở Huế, nay có dịp trở về chiến đấu ngay nơi quê quán của
mình thì tinh thần của người chiến sĩ chắc chắn phải mãnh liệt hơn, và đò chỉ
là một tình cảm tự nhiên của con người.
Thiếu
Tá Hoàng Phổ giới thiệu tôi với một vị sĩ quan:
-
Đây là Đại Úy Tập, ở Ban 3
của Tiểu Đoàn 37. Đại Úy Tập có thể cho cô biết rõ về người chỉ huy quá cố của
ông. Nếu cô muốn nghe về cái chết của Trung Tá Nhơn, cô có thể hỏi bất cứ một
người nào đã có mặt trong trận đó. Nhưng tốt nhất là gặp Thiếu Úy Hồng, Sĩ Quan Truyền Tin của Trung Tá Nhơn,
và Trung Tá Nhơn đã chết trên tay của Thiếu Úy
Hồng.
Đại Úy
Tập nói:
-
Trung Tá Nhơn là người rất
đàng hoàng, anh ra anh, em ra em, làm việc rất kỹ lưỡng.
Đại Úy
Tập mới nói đến đó thì cuộc thi tác xạ lại tiếp tục, nên câu chuyện phải tạm
ngưng. Tôi trở lên Văn Thánh để tìm Thiếu Úy Hồng. Buổi chiều, đứng trên Văn
Thánh nhìn ra trước mặt là sông Hương, sau lưng là tượng các ông quan văn đứng
thành từng hàng. Nắng buổi chiều chiếu lên những đồi sim tạo nên một khung cảnh
thật trữ tình, chỉ tiếc là trong thời chinh chiến vắng bóng những đôi tình nhân
bên bờ sông Hương.
Đại
Tá Nguyễn Đức Khoái, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân/Quân Khu I cho người mời
Thiếu Úy Hồng đến gặp tôi. Chúng tôi mỗi người ngồi trên một thùng đạn. Ngoài
chiến tuyến, cái gì cũng đơn giản. Điều quan trọng nhất là còn thấy mặt nhau.
Có nhiều người mới gặp hôm nay, ngày mai nghe họ đã hy sinh. Và trong cuộc
chiến này, mỗi giờ, mỗi ngày, bao nhiêu người đã đột ngột giã từ gia đình, bạn
bè của mình như vậy?
Thiếu
Úy Hồng dáng gầy như thư sinh. Ông ngồi yên lặng, đầu cúi xuống như cố nén sự
xúc động trước khi nhắc lại những giờ phút không thể nào quên được. Một lát
sau, ông ngước mặt lên, nét mặt thật buồn, kể lại trận đánh đã xảy ra.
Ngày
hôm đó, lúc 5 giờ sáng, trực thăng bốc Tiểu Đoàn 37 của chúng tôi đổ xuống vị
trí đã định. Chúng tôi vừa tiến vào nhà thờ trong làng thì đụng địch liền, địch
khoản một trung đoàn. Chúng tôi thanh toán xong các mục tiêu thì xe tăng Việt
Cộng từ Tây Bắc xuất hiện, nhưng bị tuyến trước của mình diệt ngay.
Từ 6
giờ sáng đến 11 giờ trưa, anh em chúng tôi thâu nhặt chiến lợi phẩm, hơn 100
cây súng, còn xác địch thì đếm không hết. Lúc đó, Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân
của Thiếu Tá Quách Thưởng cùng tiến song song với chúng tôi hướng về mục tiêu.
Đùng một cái, xe tăng Cộng quân xuất hiện tứ phía. Thì ra chúng dấu xe, dựng
những vách tre đan có trét đất như nhà của dân để ngụy trang. Xe tăng của chúng
vừa xuất hiện liền tiến thẳng và Bộ Chỉ Huy của Tiểu Đoàn, đặc biệt chúng tìm
sĩ quan chỉ huy mà bắn cho gục.
Khi xe
tăng địch vừa xông đến, Trung Tá Nhơn ra lệnh bố trí bắn chiến xa. Nhưng xe
tăng đã đến quá gần, chiếc đi đầu cán lên mình hai người mang máy truyền tin.
Trung Tá Nhơn nhất định không tháo lui. Một mặt ông ra lệnh bắn chiến xa, một
mặt gọi máy bay đến bắn xạ kích. Ông đứng sừng sững chỉ huy giữa những lằn đạn
từ các chiến xa bắn đến như mưa.
Lát
sau, Trung Tá Nhơn bị một viên đạn ngay đầu, ngã xuống. Tôi đang đứng sát một
bên, nhào tới ôm ông ta và đặt đầu ông lên đùi của tôi. Ông đã chết. Tôi nuốt
nước mắt mà vuốt mắt cho ông. Lúc đó tôi mới nhìn thấy mình đang giao chiến
trên một cồn cát. Máu từ đầu Trung Tá Nhơn đổ xuống một vũng đỏ thắm trên màu
cát trắng tinh.
Chúng
tôi ngồi yên lặng một lúc trước khi Thiếu Úy Hồng kể tiếp trận chiến kết thúc
như thế nào. Trời chuyển cơn mưa rất nhanh. Cơn mưa làm dịu ánh nắng của chiều
hè. Trời mưa nhưng nắng vàng không tắt. Ánh nắng nhạt dầ n và màu tím của những
cánh hoa sim ngả qua màu tím thẫm. Mưa vẫn rơi trên những đồi sim.
Tôi vào
Đà Nẵng, đi với chị Phạm Văn Lương đến thăm gia đình củ Trung Tá Nhơn đang ở cư
xá Đoàn Kết. Gia đình của anh Nhơn ở đây gồm có cha mẹ già, chị Nhơn và đứa con
nhỏ. Chị Nhơn nắm tay tôi thật chặt:
-
Cô Kiều Mỹ Duyên phải
không?
Đã hơn
7 năm rồi mới gặp lại, đang lúc đau buồn như vậy mà chị cũng nhận ra tôi ngay.
Chị có vẻ bình tĩnh, hay đúng hơn là rất cố gắng để bình tĩnh, bởi vì anh Nhơn
là con một, chị là dâu một trong nhà, còn ai gánh vác cho lúc này và cả những
chuỗi ngày đằng đẵng trước mắt. Hiện chị Nhơn đang dạy học ở trường Văn Hóa
Quân Đội. Bà cụ cũng đến nắm tay tôi, ứa nước mắt kể lể:
-
Chúng tôi chỉ có một mình
nó. Nó đi đâu là tôi đi theo đó. Đóng đồn ở Lộc Giang, tận Hậu Nghĩa tôi cũng
theo vào. Hành quân ngoài Quảng Trị tôi cũng ra thăm, không sợ bom đạn. Bây giờ
thì đi luôn rồi, cô ơi!
Anh là
con một, có cha mẹ già, anh có thể khỏi phải đi lính, hoặc làm lính ở văn
phòng. Nhưng anh đã chọn con đường binh nghiệp, anh tình nguyện vào Võ Bị, anh
tình nguyện đội chiếc Mũ Nâu, mặc áo hoa rừng và hy sinh cả một đời trai cho
chiến trận.
Buổi
tối tôi ở lại nhà của chị Nhơn để an ủi chị. Tôi xin chị cho xem hình của hai
vợ chồng. Hai người quen nhau từ lúc còn nhỏ, yêu nhau rồi mới cưới nhau, mà
chỉ vỏn vẹn có mấy tấm hình, hình thì cũ, đã ngã sang màu vàng.
Khi đi ngủ, trong phòng khách,
kế nơi bàn thờ, chị Nhơn treo một chiếc áo trận của chồng. Dưới ánh đèn mờ mờ,
chiếc áo lung linh như anh Nhơn trở về. Trước mặt mọi người, chị Nhơn không
khóc, nhưng nửa đêm chợt thức giấc, tôi thấy chị úp mặt vào gối, cố dằn những
tiếng nức nở, nghẹn ngào.
Cư
xá Đoàn Kết gần với phi trường Đà Nẵng và Tổng Y Viện Duy Tân. Trong đêm vắng,
giữa những tiếng phản lực của những chiến đấu cơ xé gió, còn có tiếng cánh quạt
ù ù của những tiếng trực thăng tải thương lên xuống liền liền. Trong những
chuyến tải thương đó, có những chuyến chở xác chồng về cho những người vợ vừa
trở thành góa phụ đêm nay.