Buổi chiều trên sân bay Đà Nẵng
Kiều Mỹ Duyên
Một
buổi chiều của mùa hè năm 1972, chiếc C130 cất cánh từ Tân Sơn Nhất thả tôi
xuống phi trường Đà Nẵng. Đây là một phi trường lớn của Vùng I, cả hai mặt quân
sự và dân sự. Buổi chiều mùa hè của miền Trung, thời tiết nóng oi bức, dù Đá
Nẵng là một thành phố nằm ven biển. Người ta có cảm tưởng sự ngột ngạt ngày
càng nhiều hơn từ khi những người lính Mỹ đầu tiên đặt chân đến hải cảng này.
Một
cuộc đổi đời có vẻ âm thầm, cay đắng cũng bắt đầu với sự xuất hiện của những
lon Coca, lon bia Hem và những snack bar mọc lên nhanh chóng trên cái thành phố
từ trước đến nay, vẫn giữ được những nét sang trọng của giới thượng lưu thứ
thiệt trong suốt thời kỳ còn dấu chân của người Pháp. Nhịp độ sinh hoạt của
thành phố có vẻ sôi động hơn, tăng theo sự hiện diện ngày càng đông của quân
đội Mỹ. Một nấc thang mới của xã hội nảy sinh. Một lớp người bỗng trở nên giàu
có nhanh chóng, nhờ đủ mọi dịch vụ dính líu đến quân đội Mỹ: từ những xe hàng
êm xuôi ra khỏi PX, những đống rác đấu thầu được, cho đến cả những ông thông
dịch viên độc quyền dịch hôn thú cho mấy bà vợ theo chồng về nước.
Chỉ tội
cho lớp người trí thức như công, tư chức, đang phải đứng giữa ngã ba đường:
chạy theo cuộc sống, hay cưỡng lại với hai chữ “kẻ sĩ” ươn gàn, bất lực? Thiệt
thòi nhất vẫn là những người lính chiến. Dù cho cuộc sống có thay đổi thế nào,
họ vẫn là những kẻ hy sinh, những kẻ ngày đêm miệt mài với chiến trận. Họ hy
sinh để bảo vệ cho tổ quốc. Họ hy sinh để bảo vệ cho đồng bào. Hai chữ đồng bào
gồm cả những người đã tận dụng quyền lực để hầm hè với nhau, tranh dành với
nhau từng đống rác của Mỹ, tại cái thành phố mà tôi vừa đặt chân xuống đây.
Chiều
hè trong phi trường chỉ có từng cơn gió lửa, thổi từ ống phản lực của những
chiếc phi cơ cất cánh liên tục trên các phi đạo chạy dài hun hút. Tôi đặt xách
tay dưới chân và đứng nhìn ra bên ngoài. Trên bầu trời Đà Nẵng, hầu như không
bao giờ im tiếng máy bay gầm thét, ngày cũng như đêm. Chỉ cần đứng ở một phi
trường quân sự để nhìn nhịp độ cất cánh của các chiến đấu cơ, hoặc vào các quân
y viện để xem tổng số thương bệnh binh nhập viện hằng ngày, người ta cũng thấy
được mức độ cuộc chiến ở vùng đó mà khỏi cần nghe phòng hành quân thuyết trình.
Nhìn
những phản lực cơ mang những ám số bắt đầu bằng chữ F nối đuôi nhau cất cánh từ
phi trường quân sự Đà Nẵng, tôi chợt nghĩ đến sự sống và sự chết của những
người chiến sĩ Không Quân vừa tung đôi cánh chim bằng kia, hướng về một trận
đánh đang khai diễn ở nơi nào đó, và có thể bên dưới, một viên đạn phòng không,
một trái hỏa tiễn địa không đã sẵn sang chờ họ. Giả sử như tôi rảnh rỗi đứng
tại đây, ghi số một chiếc máy bay nào vừa cất cánh, và chỉ một hoặc hai giờ
sau, không thấy chiếc máy bay đó đáp xuống lại, thì có nghĩa là người đi không
về… Chim bằng đã gãy cánh. Người chết, chết âm thầm, người sống vẫn tiếp tục
nhiệm vụ cao cả. Và bên ngoài phi trường, thành phố Đà Nẵng nằm bên hải cảng
vẫn đẹp đẽ, vẫn xô bổ, ồn ào và náo nhiệt. Thành phố đó có đại bản doanh của
Quân Đoàn I/Quân Khu I và bộ chỉ huy của các lực lượng Mỹ cũng trú đóng tại
đây.
Sự hiện
diện của người Mỹ tại Việt Nam đã khiến cho cuộc sống có phần đảo lộn. Đà Nẵng
là một trong số những thành phố trở mình đầu tiên. Sự ồn ào bên những đống rác
chỉ là ngôn ngữ của đám ruồi nhặng. Những kẻ đó không phải tiêu biểu để đánh
giá cho những con người từ đời này qua đời khác, đã đổ bao nhiêu mồ hôi, nước
mắt và xương máu để giữ vững mảnh đất tuy cằn khô, nhưng vẫn là quê hương của
mình.
Quê hương em nghèo lắm ai ơi.
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu cơm…
Sống
trên mảnh đất cày lên sỏi đá, nhưng long người không khô cằn. Thiếu cơm, thiếu
áo, nhưng không thiếu tình người. Đó không phải chỉ là sự ngạc nhiên của riêng
tôi, trong những lần ra thăm miền Trung, mà còn là ấn tượng đẹp đẽ, đến mức độ
cảm phục của một viên tướng đến từ bên kia bờ đại dương: Tước Lewis Walt, Tư
Lệng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong cuốn hồi ký “Strange War –
Strange Strategy”, Tướng Walt đã kể lại một câu chuyện xảy ra trong những ngày
ông cầm quân tại Đà Nẵng.
Một
buổi sang, khi tới bản doanh để làm việc. Bước vào văn phòng, Tướng Walt thấy
một cô bé Việt Nam khoảng 11 tuổi đang ngồi chờ ông ở phòng khách. Cô bé rất
hiền, xinh xắn, dễ thương và có vẻ e thẹn. Tướng Walt hỏi viên sĩ quan tùy viên
vì lý do nào mà cô bé đến văn phòng của ông ta vào lúc quá sớm như vậy. Sĩ quan
tùy viên trình bày là cô bé đến để trả lại một chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng
của một binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đánh rơi mà cô bé nhặt được.
Tướng
Walt tiếp cô bé trong văn phòng và khuyến khích cô bé nói chuyện. Cô bé nói
được tiếng Anh. Cô bé giải thích là cô nhặt được chiếc đồng hồ vàng có khắc tên
và đơn vị của người lính làm rơi. Cô không muốn giữ hoặc bán chiếc đồng hồ, vì
đó là vật tư hữu của một binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, một binh chủng mà cô
bé thương mến.
Khi
Tướng Walt hỏi tại sao cô bé mến Thủy Quân Lục Chiến, cô bé trả lời:
- Vì cha tôi là một Hạ Sĩ Quan Thủy Quân Lục Chiến Việt
Nam. Cha tôi bị Việt Cộng giết cách đây hai năm.
Tướng
Walt hỏi cô bé làm sao học được tiếng Anh giỏi như vậy, cô bé đáp:
- Anh tôi đã dạy cho tôi đó. Mẹ tôi chỉ đủ tiền cho một đứa
con đi học, nên anh tôi được đi học. Rồi tối đến, anh tôi dạy cho tôi và hai em
tôi những gì anh ấy học được ban ngày.
Trong
cuốn hồi ký, Tướng Walt thú thật là vẫn còn cảm thấy bồi hồi mỗi khi nhớ lại
câu chuyện chiếc đồng hồ và cô bé Việt Nam. Ông biết rõ rằng, giá trị chiếc
đồng hồ đó nhiều hơn lợi tức mà gia đình cô bé kiếm được trong một năm, thế mà
cô ta và gia đình đã trả lại cho sở hữu chủ không một chút do dự.
Ông
viết tiếp: “Cô bé 11 tuổi ấy đã lớn lên trong một thành phố nghèo đói, bệnh
tật, chiến tranh và sự chết chóc bao quanh. Nhưng cô bé đã học được những nét
cao thượng của cha, của anh là những chiến sĩ, và từ những người lớn khác, niềm
kiêu hãnh và sự tự trọng…”
Tôi
sinh trưởng và lớn lên ở miền Nam, một miền trù phú với nhiều ưu đãi của thiên
nhiên. Với nghề nghiệp của một phóng viên chiến trường, tôi đã có dịp đặt chân
lên khắp nơi của nửa phần đất nước Việt Nam: từ Bến Hải đến Mũi Cà Mau. Tôi
không có dịp ra miền Trung thường xuyên. Nhưng quả thật miền đất đó, đã có
những mời gọi âm thầm đối với tôi. Chỉ riêng về phương diện nghề nghiệp thôi,
phần đất từng được mệnh danh là Miền Hỏa Tuyến thật đáng là nơi cho những phóng
viên chiến trường có mặt.
Tôi
thương cái nghèo khó của miền Trung, và kính phục sự vươn lên mãnh liệt của
người dân ở vùng này. Và ngày hôm đó, một ngày giữa mùa hè năm 1972, tôi có mặt
tại chiến trường Trị Thiên để chính mắt quan sát và ghi lại những trận đánh lẫy
lừng của những chiến sĩ can trường đang trấn giữ vùng địa đầu.
Tôi có
mặt để xin được chia xẻ sự chua xót và ngậm ngùi của những người khốn khổ, đến
một mái tranh nghèo, một mảnh vườn con cũng không giữ được trước thiên tai và
cả bao nhiêu cuộc chiến tiếp diễn đã bao lâu nay trên mảnh đất khô cằn, mà họ
vẫn sống bám vào cho trọn tình với ông cha.
Bởi
thế, từ lòng thương mến và cảm phục đó, mỗi lần khi viết về miền Trung, tôi
viết với tất cả sự trang trọng vốn có trong tâm tư.