Thi Ca Tuyển Tập Anh Mỹ bao quản một số thi hào tiếng tăm nhất trong văn học Anh và Hoa Kỳ. Mỗi bài thơ chuyển ngữ đều có phần bình và phân tích chu đáo. Cụ thể sau đây là những tác giả liên quan được chọn: Robert Frost, Emily Dickinson, William Shakespeare, John Keats, Lord Byron, William Wordsworth, Percy Bysshe Shelley, William Yeats, Christina Rosetti... Riêng William Shakespeare đến với tuyển tập với 19 bài Sonnets nổi tiếng nhất và được ưa chuộng nhất trong số 154 bài. Độc giả sẽ thưởng thức toàn bộ những tụng ca lừng danh của nhà thơ bạc mệnh John Keats, những nét suy tư bí ẩn và thâm sâu của nhà thơ ẩn dật Emily Dickinson, những lời ca sơn nữ của William Wordsworth... chưa kể những kiệt tác đậm nét hiền triết của Robert Frost. Với khả năng ngoại ngữ thượng thừa của một giáo sư sinh ngữ, một tri thức uyên thâm của một giáo sư triết, và một tài nghệ sáng tạo của một nhà thơ, hy vọng Thi Ca Tuyển Tập Anh Mỹ sẽ được độc giả đón nhận một cách nồng nhiệt và thiện cảm. Hãy đọc Đông Yên và bạn sẽ không bao giờ có cảm tưởng mình đang đọc thơ dịch. Bạn sẽ có cảm giác như đang đi vào một vườn thơ đầy hương ngát của hoa thơm và mật ngọt, một cửa ngõ đi vào một thế giới thần tiên của văn học.
MINH ĐIỀN
Cách nay khoảng hai tuần, tác giả Đông Yên gởi đến tôi bản thảo "Thi Ca Tuyển Tập Anh Mỹ" vừa để chia sẻ vừa để yêu cầu vài nhận định trước khi phát hành tác phẩm. Lý ra tôi không dám nhận lời nếu không có lời trấn an của tác giả... Vâng thì tôi cứ thế mà làm, trong tinh thần thân hữu, khiêm tốn, và cộng thông với nhau. Vả lại cũng khó từ chối vì tôi rất mến mộ tài nghệ thi ca của ông qua LOÀI CHIM DU MỤC và khả năng ngoại ngữ thượng thừa của ông qua THI CA LÃNG MẠN PHÁP. Chúng tôi quen biết nhau từ lâu qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống. Tuy nhiên, trong khi Đông Yên hiện là con người của ánh sáng, tôi, nhìn chung, vẫn là một "kẻ sỹ" trong bóng tối - hầu như vô danh. Cho nên, thật cũng khó không biết phải viết sao đây. Thú thực khi đọc bản thảo, tôi không bắt đầu với bản tiếng Anh, mà khởi đi từ phần bình và phân tích của Đông Yên dành cho mỗi bài thơ. Tác giả rất chu đáo ở phần này. Xin thưa là rất căng, vì thơ tiếng Anh không "dễ nuốt" tí nào, nhất là những bài thơ từ thế kỷ 19 trở về trước. Tôi chỉ cảm nhận giá trị nghệ thuật và triết học của các bài thơ qua phần thơ dịch của Đông Yên. Phải lương thiện mà nói rằng, không có thơ dịch của Đông Yên, thì những kiệt tác tiếng Anh kia cũng chỉ là những món đồ cổ lạnh lùng xa lạ ít ai muốn nhìn vào cho dù có người ca tụng đi nữa. Lời thơ Việt óng ả, lưu loát, tự tin, nhuần nhuyễn, và thanh thoát như tự chúng diễn ngâm vậy. Đông Yên có đủ tài năng, bản lãnh, và kỹ thuật để hiện thực hóa câu nói bất hủ, Dịch tức là sáng tác. Khả năng ngoại ngữ thượng thừa của ông giúp ông không "phản bội" thơ gốc; trong khi trong tư thế của một nhà thơ tầm vóc, ông thừa sức biến dịch bản của mình thành một sáng tác thi ca mượt mà và bóng bẩy, đồng thời diễn đạt trọn vẹn những hàm ngụ triết lý sâu thẳm trong từng tác phẩm – sở trường của một giáo sư triết như Đông Yên.
- Minh Điền, Houston November 2016
VĨNH AN
Tôi biết trước đây, Đông Yên đã từng làm thơ, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên thán phục trước công trình tuyển tập thơ Anh-Mỹ của ông. Ông đã thực hiện công trình này như một học giả uyên bác mà đặc tính trổi vượt là sự làm chủ tiếng Việt, qua việc dùng từ chính xác, cách đảo câu đảo ngữ làm cho bản dịch rất dễ đọc. Nhưng trước hết ông dịch như một nhà thơ, một người có tâm hồn bay bổng như cánh chim phượng hoàng. Sự nhạy cảm đầy chất nghệ sĩ của ông đã làm cho ông dễ dàng nắm bắt mạch thơ và đồng cảm với cảm xúc thiên tài của một Robert Frost, hay một Lord Byron, một William Wordsworth, một Shelley, một John Keats … Có thể nói Đông Yên đã dịch thơ cùng lúc với hai tinh thần mà Pascal đã nói: tinh thần tinh tế (esprit de finesse) và tinh thần hình học (esprit géométrique). Với tinh thần tinh tế, ông có sự đồng cảm đặc biệt với các tác giả Anh-Mỹ. Tiến sĩ Hoàng Anh Dũng đã dùng một thuật ngữ của thiền tông để diễn tả tâm thái này là NGỘ. Nếu các thi hào Anh Mỹ đã “ngộ” khi viết ra thơ của họ, thì Đông Yên cũng “ngộ” để dịch ra thơ của họ. Chúng ta có hai cái ngộ của tác giả và dịch giả, vì khi dịch tài năng của Đông Yên đã viết ra một bài thơ khác, một bài kệ từ một đề mục chung của sư tổ bên cạnh những bài kệ khác. Với tinh thần hình học trước mỗi bài thơ dịch ông đã mang lại cho độc giả lời giới thiệu và sự phân tích sâu sắc của ông về tác giả và bài thơ ấy. Những cảm nhận đó xác đáng và giúp người đọc dễ dàng bắt nhịp với bài thơ mà độc giả sắp đọc. Xin đan cử những nhận định chính xác và thâm thúy mà ông viết về Robert Frost: “Nhà thơ hóa dạng các chi tiết vật lý thành một dạng trầm tư về sự căng thẳng nào đó (…) giữa trách nhiệm cuộc sống và quyến rũ sâu thẳm của cái chết, giữa con vật và kẻ siêu nhân, giữa thiên nhiên hữu hình và nhãn giới xa xăm trừu tượng siêu hình… ”
(...) ... Nhưng khi viết những dòng trên một câu hỏi làm bản thân tôi trăn trở: Thi ca lãng mạn có cần cho chúng ta hôm nay không? Tôi muốn hiểu cái hôm nay là thời hiện tại của cuộc cách mạng công nghiệp lần hai vì khoa học đã chiếm lĩnh hầu hết mọi lãnh vực xã hội và người ta đang nói đến một thế giới phẳng mà nhiều lúc tôi thấy tầm thường đến độ nhàm chán. Trong thế giới phẳng ấy, chiều kích thứ tư mà Đông Yên có đề cập bị thu nhỏ trong sự điêu tàn và hệ quả của thực dụng thống trị là sự xuất hiện của những trào lưu văn học khá bế tắc như thứ văn chương không cốt truyện, không nhân vật, không tình tiết, hội họa nhiều khi chỉ còn là khung vải tô đen hay bôi trắng lợn cợn vài đường nét rối bời hoặc chỉ là những khung màu hình học đặt kề nhau, kịch nghệ là sân khấu của những nhân vật phi lý, lạc lỏng với những cử điệu máy móc của rô-bốt. Cái ngày hôm nay là như thế vì thế-giới-con-người vắng bóng nhường chỗ cho thế giới của các đồ vật, con người đã bị cơ-tâm làm hư hoại để cho máy móc điều khiển và cũng trở thành máy móc. Trong bối cảnh ấy, thi ca lãng mạn đã trở nên cần thiết cho tôi: nó giúp tôi tìm thấy khung trời uyên nguyên còn sót lại chưa bị ô nhiễm môi sinh làm hư hoại; nó kể lại cho tôi tiếng-lòng vui mừng hay thổn thức của các con tim chưa hóa đá của những thi nhân lãng mạn; nó mở ra cho tôi bầu trời siêu nhiên của các mầu nhiệm để với chiều kích thứ tư tôi có thể chạm tay vào vĩnh cửu. Và chính nhà thơ-học giả Đông Yên với công trình này của ông đã trả lại cho tôi một miền đất hứa, đầy mơ mộng và ấm áp tình người trong những rung động tế vi nhất, cũng đầy sự ủi an khích lệ đến từ một niềm tin thần bí nào đó. Vì vậy, trước công trình này một lần nữa tôi xin nói với Đông Yên:
RẤT CHÂN THÀNH CÁM ƠN.